Kinh tế xã hội
Luật An ninh mạng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển
Luật an ninh mạng đã chính thức được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, Internet, công nghệ thông tin là một trong những đối tượng trực tiếp chịu tác động của Luật.
Độc giả cần mở loa để nghe thuyết minh.
Năm 2016, cả nước có tổng số 24.501 doanh nghiệp CNTT trong đó có sự tham gia của cả khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài. Theo đó, tổng doanh thu lĩnh vực này ước tính đạt hơn 1.500.000 tỷ đồng và được xem là một trong những lĩnh vực có mức tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc Quốc hội chính thức thông qua Luật An ninh mạng đã tạo ra cơ sở pháp lí và sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và nhận được sự ủng hộ từ phía các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn NextTech cho biết: "Thứ nhất là tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước bị quản lý thế nào thì các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ Internet xuyên biên giới cũng phải bị một sự quản lý tương tự như vậy nó sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài khi thiết lập sự hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ tạo ra được công ăn việc làm, đóng thuế cho Nhà nước."
Là một công ty có 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bảo mật tại Việt Nam, đại diện công ty này cho biết việc ra đời Luật An ninh mạng là một tín hiệu đáng mừng. Khi đi vào thực tế, luật sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được nhiều rủi ro cũng như đảm bảo hành lang pháp lý an toàn trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc kinh doanh công ty Ideologic cho biết: "Trước giờ Việt Nam mình chưa có một đạo luật nào, luật rõ ràng về an ninh mạng về những tội ác như hacking hay là chiếm đoạt tài sản. Thì bây giờ mình bắt đầu có một cái luật nào đó thì tôi coi đó là tín hiệu đáng mừng bởi vì mình có một sự khởi đầu cho một luật riêng về an ninh mạng."
Để đáp ứng các quy định của Luật An ninh mạng, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp nhà nước này đã chuẩn bị tiến hành đầu tư và nâng cấp các hệ thống đặc biệt là các hệ thống liên quan đến dữ liệu người dùng và các hệ thống trọng yếu liên quan đến ANQG. Theo đó, đơn vị này cũng khẳng định Luật An ninh mạng sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Anh Lê Đăng Phong, Ban Khai thác mạng, Tổng công ty Hạ tầng mạng VNPT Net cho biết: "Ở một góc độ khác, với những quy định của Luật ANM như đặt các nội dung của Việt Nam chẳng hạn thì về góc độ kỹ thuật chúng tôi đánh giá việc mà này nó tiết kiệm chi phí cho VNPT đặc biệt là các chi phí kết nối kênh phải trả cho các đối tác nước ngoài. Mặt khác việc đó cũng cho phép VNPT tăng cái chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng trải nghiệm mang lại cho khách hàng."
Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của làn sóng khởi nghiệp, lĩnh vực Công nghệ thông tin đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của những startup. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này cũng đang tăng lên hàng ngày với đa dạng các hoạt động kinh doanh như: doanh nghiệp phần cứng, điện tử; doanh nghiệp phần mềm; doanh nghiệp nội dung số, doanh nghiệp dịch vụ CNTT Với sự phát triển mạnh mẽ này, sự ra đời đúng lúc của Luật An ninh mạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục an ninh mạng, Bộ công an cho biết: "Đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thì các hoạt động này cần được đảm bảo về nhân sự có tốt không, năng lực công nghệ có đảm bảo không, để có thể bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về ANQG. Vì vậy mà, từ xưa đến nay chúng tôi cũng không cấp giấy phép cho ai và chắc chắn với luật này thì cơ quan chuyên trách của Bộ Công an chắc cũng không phải cấp giấy phép cho ai cả cho nên có thể khẳng định không có rào cản, đồng thời không cấp giấy phép con."
Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm Khu công nghệ cao Tp.Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng rất cần thiết hiện nay là có một luật để quản lý theo hướng dẫn hoặc cái giám sát của Nhà nước đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia trong cái hoạt động về CNTT này để không bị ảnh hưởng bởi những doanh nghiệp khác hoặc tác động xấu đến những lĩnh vực còn lại ở trong cộng đồng CNTT."
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng với sự ra đời của Luật an ninh mạng này và được sự hỗ trợ, sự đóng góp của giới chuyên gia thì đạo luật này sẽ giúp cho xử lý các hành vi xâm nhập tấn công mạng trên Internet có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn và xử lý triệt để hơn."
Luật An ninh mạng đã được thông qua và việc cần thiết lúc này đó chính là phải nhanh chóng xây dựng các thông tư, nghị định cụ thể hóa từ Luật an ninh mạng để làm cơ sở hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sớm có các phương án chủ động đáp ứng các yêu cầu của Luật. Có như vậy, Bộ luật này mới phát huy được hết tính hiệu quả như sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ANTV