Ô tô - Xe máy
Ô tô nhập khẩu khan hàng, tạo đà cho xe trong nước tăng trưởng
Tính từ đầu năm đến nay, số lượng xe nhập khẩu tại Việt Nam liên tục giảm mạnh, trong khi đó xe lắp ráp trong nước lại tăng.
Cụ thể, nếu tính tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 5/2018, của xe lắp ráp trong nước tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự thay đổi này do nhiều mẫu xe nhập khẩu của hãng hiện tại đã không còn hàng để bán vì hàng cũ đã hết mà hàng mới vẫn chưa nhập được về do vướng những quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Chính phủ ban hành và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116.
Tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA tính đến hết tháng 5/2018. |
Còn xe lắp ráp thì vẫn hoạt động bình thường nên nhiều người có nhu cầu mua xe đã chuyển hướng từ các mẫu xe nhập khẩu sang xe trong nước thay vì chờ đợi.
Tuy nhiên, sau tháng 5/2018, có thể chia các hãng xe lớn ở Việt Nam thành 3 nhóm bị tác động theo chiều hướng giảm hoặc tăng trưởng về doanh số.
Nhóm thứ nhất, doanh số đang giảm do thiếu xe nhập khẩu để bán. Các hãng xe này dù phụ thuộc ít hay nhiều vào các mẫu xe nhập khẩu cũng đều bị giảm doanh số so với cùng kỳ năm ngoái (Mercedes-Benz, Isuzu, Ford, Suzuki, Lexus), từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm, đặc biệt là Lexus với mức giảm 100% vì không nhập khẩu chính hãng được chiếc xe nào trong tháng 5.
Do chưa thể nhập được xe về nên doanh số của Ford Ranger liên tục xụt giảm trong năm 2018. |
Nhóm các hãng xe này sẽ cần thêm nhiều thời gian để đưa những mẫu xe chiến lược về Việt Nam. Như Ford chẳng hạn, các đại lý của Ford đã rục rịch nhận đặt hàng cho mẫu Everest mới, nhưng mẫu xe này chỉ dự kiến về Việt Nam vào quý 4 năm 2018.
Trong khi đó, nhu cầu dành cho mẫu xe chủ lực Ranger của Ford vẫn rất cao, nhưng mẫu xe này vẫn giảm mạnh do khan hàng; trong tháng 5/2018, Ford Ranger chỉ bán được 55 chiếc, so với 1.304 chiếc bán được cùng kỳ năm ngoái. Do đó, doanh số Ford tại Việt Nam trong tháng 5 đã sụt giảm mạnh chỉ còn 1.451 chiếc, dù tăng nhẹ 7% so với tháng 4 nhưng vẫn còn thấp hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm thứ hai, các hãng nhập được xe về và đang bán tốt. Thực chất, chỉ có Honda và phần nào đó là GM Việt Nam nằm trong nhóm này. Việc Honda bán được 1.507 chiếc CR-V trong tháng 4/2018 và 700 chiếc trong tháng 5/2018 đã chứng tỏ điều đó, kể cả mẫu xe lắp ráp như City cũng đạt được doanh số tốt với 876 chiếc. Doanh số bán ôtô trong tháng 5 của Honda đã tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái, với 2.815 chiếc, tuy nhiên lại giảm 10% so với tháng 4/2018 do mẫu CR-V đã bớt "hot".
Nhờ việc có xe về sớm nên Honda CR-V đã đạt được doanh số tốt trong những tháng 4, 5/2018. |
Tuy vậy, đối với mẫu xe nhập khẩu từ Nhật như Odyssey, Honda lại không bán được chiếc nào trong tháng vừa rồi vì hiện vẫn chưa có xe.
Còn GM Việt Nam, tận dụng thời gian Ford Ranger khan hàng, đã nhanh tay đưa được mẫu bán tải Chevrolet Colorado về từ Thái Lan, đây được coi là mẫu bán tải đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam sau nghị định 116 được áp dụng. Doanh số trong tháng 5 của mẫu xe này đạt 470 chiếc, tăng 3033% so với tháng 4 và tăng 71,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cùng là mẫu xe giúp kéo doanh số của GM tăng lên 982 chiếc, tăng 96% so với tháng 4/2018. Dù còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây là một dấu hiệu khá tích cực.
Một mẫu xe khác của GM là Trailblazer cũng không hề kém cạnh khi giành được 64,1% thị phần của phân khúc SUV 7 chỗ khi đóng góp 164 xe trong tổng 256 xe bán ra thị trường trong tháng 5/2018. Kết quả này có được là do đối thủ chính của Trailblazer là Toyota Fortuner hiện vẫn chưa thể nhập khẩu về Việt Nam.
Trailblazer có doanh số tốt trong tháng 5/2018 khi đã có thể nhập xe về Việt Nam. |
Tuy nhiên, không giống Honda, hãng có vẻ đang mất đi một lượng lớn các khách hàng của dòng xe lắp ráp, điển hình là mẫu Chevrolet Cruze đã giảm doanh số chỉ còn 23 chiếc, nằm trong top bán chậm tháng vừa rồi.
Nhóm thứ 3, các hãng xe mạnh nhờ lắp ráp; trong đó, nổi bật là Toyota và các thương hiệu xe lắp ráp bởi Trường Hải (Kia, Mazda, Peugeot). Tuy doanh số của Toyota giảm 8% (đạt 4,752) so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 12% so với tháng 4/2018 nhờ vào việc các mẫu xe lắp ráp của hãng đều tăng trưởng tốt. 3 mẫu xe lắp ráp (Vios, Innova và Corolla Altis) đều nằm trong top 10 xe bán chạy nhất dù các mẫu xe nhập khẩu Fortuner, Hilux, Yaris, Land Cruiser Prado không bán được chiếc nào trong tháng 5/2018 do đã hết hàng và chưa nhập được đợt xe mới.
Các thương hiệu được Trường Hải lắp ráp tăng trưởng tốt, hai thương hiệu Kia và Mazda đều có doanh số bán hàng tốt trong tháng 5 và có mức tăng trưởng trên 10%; đặc biệt, các mẫu xe của Peugeot đã có sự tăng trưởng ấn tượng với doanh số 399 chiếc trong tháng 5/2018, tăng 17% so với tháng 4/2018 và 1.496% so với cùng kỳ năm ngoái./.
Nguồn: Linh Anh/VOV.VN