Kinh tế xã hội
Đề xuất quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước
09:26, 30/06/2018 (GMT+7)
Văn phòng Chính phủ đang dự thảo Nghị định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.
Văn phòng Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác thông tin báo cáo được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành, địa phương quan tâm, từng bước đi vào nền nếp. Việc thực hiện các quy định về báo cáo đã tạo ra nguồn thông tin đồ sộ, đa dạng, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền. Trong một số ngành, lĩnh vực, công tác báo cáo đã bước đầu được tin học hóa, một số báo cáo được thực hiện trực tuyến giúp giảm thời gian, công sức, chi phí hành chính, tăng độ chính xác trong tổng hợp, xử lý thông tin, số liệu báo cáo.
Tuy vậy, các quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước và việc triển khai thực hiện của các ngành, các cấp cũng còn những hạn chế. Đặc biệt, số lượng báo cáo mà các cơ quan hành chính trong cả nước phải thực hiện nhiều, đồ sộ. Tính bình quân, mỗi bộ, ngành phải thực hiện 198 báo cáo/năm, mỗi địa phương phải thực hiện 2.521 báo cáo/năm. Tỷ lệ báo cáo định kỳ trên tổng số báo cáo phải thực hiện của các bộ, ngành địa phương dao động trong khoảng từ 50-55%, số còn lại chủ yếu là báo cáo đột xuất. Thời gian các cơ quan phải sử dụng để thực hiện công tác báo cáo rất lớn. Ước tính thời gian trung bình để thực hiện các loại báo cáo trong tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ năm 2015 của các bộ, ngành chiếm 25,04%, của các địa phương (chia trung bình các cấp tỉnh, huyện, xã) chiếm 26,12%.
Chất lượng báo cáo không cao, không đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước. Số liệu báo cáo ở một số lĩnh vực thiếu tính đồng bộ, tương thích để phục vụ cho công tác phân tích, nhận định, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động. Nhiều báo cáo có số liệu bị sao chép, tự ước tính dẫn đến tính chính xác không cao; thông tin trong báo cáo vừa thiếu, vừa thừa; nhiều báo cáo không đáp ứng yêu cầu về tính kịp thời. Nhiều báo cáo nội dung nhận xét, phân tích, đánh giá còn sơ sài, chưa bám sát vào các mô tả thực trạng của báo cáo. Phần đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục tồn tại, nhận định triển vọng, nêu kiến nghị (nếu có) còn nghèo nàn… Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo cáo chưa đồng bộ và còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước nhằm thiết lập căn cứ pháp lý thống nhất để quy định chế độ báo cáo theo hướng đổi mới, hợp lý và giảm gánh nặng hành chính trong công tác báo cáo; đảm bảo công tác báo cáo được thực hiện thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác báo cáo, tạo cơ sở cho việc xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, thực hiện báo cáo trực tuyến; có sự tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước; phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quy định và triển khai thực hiện chế độ báo cáo.
Các loại chế độ báo cáo
Tại dự thảo, Văn phòng Chính phủ đề xuất quy định các loại chế độ báo cáo (đột xuất, chuyên đề, định kỳ) và tiêu chí để phân biệt, nhận diện các loại chế độ báo cáo này.
Cụ thể, chế độ báo cáo đột xuất là chế độ báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường. Chế độ báo cáo này không được quy định trước và thường chỉ thực hiện một lần.
Chế độ báo cáo chuyên đề là chế độ báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề nào đó, thường được quy định trước và có thể phải thực hiện một hoặc nhiều lần trong một thời gian nhất định. Chế độ báo cáo định kỳ là chế độ báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin tổng hợp của các cơ quan hành chính nhà nước, được quy định trước và thực hiện lặp lại nhiều lần theo một chu kỳ xác định trong thời gian kéo dài.
Đồng thời, dự thảo đề xuất quy định chỉ có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo định kỳ. Chế độ báo cáo chuyên đề được ban hành bởi các chủ thể ban hành chế độ báo cáo định kỳ và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chế độ báo cáo đột xuất được ban hành bởi các chủ thể ban hành chế độ báo cáo chuyên đề và Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Nguồn: Tuệ Văn/Chinhphu.vn