Kinh tế xã hội

Cần tháo gỡ vướng mắc tại các dự án BT

14:26, 27/06/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt là hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, vướng mắc vì liên quan đến định giá đất và chưa thông qua đấu thầu rộng rãi. Một số công trình khác đã hoàn thiện nhưng chưa được bàn giao quỹ đất.

Trường Tiểu học Hưng Phúc, một trong những dự án được đầu tư theo hình thức BT
Trường Tiểu học Hưng Phúc, một trong những dự án được đầu tư theo hình thức BT

Nhiều dự án BT được kêu gọi đầu tư

Theo Quyết định số 2123/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020, với mục tiêu thu hút nguồn vốn từ hình thức đối tác công tư đạt mức 5 - 10% tổng huy động nguồn đầu tư xã hội (tương đương 20.000 - 40.000 tỉ đồng), để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XVIII đề ra, thì nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT, hiểu một cách khác là đổi đất lấy công trình sẽ được triển khai thực hiện.

Trong đó, có thể kể đến như hoàn thành Dự án đường Lê Mao (TP Vinh) kéo dài (giai đoạn 2 và giai đoạn 3); triển khai nhanh, có hiệu quả các dự án đã được phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi, bao gồm: Dự án xây dựng tuyến đường Lý Thường Kiệt đoạn qua phường Hưng Bình; nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Viết Xuân; xây dựng các tuyến đường quy hoạch xã Nghi Phú và Hưng Dũng (TP Vinh); xây dựng cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu (TX Thái Hòa)…

Ngoài ra, sẽ lập hồ sơ đề xuất Dự án xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh mới tại Cảng hàng không Quốc tế Vinh; nâng cấp cảng Cửa Lò; đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2); đường tránh thị trấn Nam Đàn; xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông trên địa bàn TP Vinh; tuyến đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An).

Trong lĩnh vực y tế, sẽ lập hồ sơ đề xuất Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải y tế nguy hại trên địa bàn TP Vinh và các huyện phụ cận; xây dựng bệnh viện dưỡng lão; lập hồ sơ đề xuất Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải TX Thái Hòa, Hoàng Mai, Đô Lương và các vùng phụ cận. Về hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, sẽ lập hồ sơ đề xuất Dự án quần thể trung tâm vui chơi giải trí Nguyễn Tất Thành và quần thể trung tâm vui chơi giải trí hồ điều hòa Hưng Hòa (TP Vinh). Ngoài ra, sẽ lập hồ sơ đề xuất Dự án xây dựng cơ sở mới Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và triển khai nhanh, có hiệu quả Dự án xây dựng nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn.

Nguyên tắc xây dựng danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) phải phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư và khả năng huy động nguồn lực của địa phương để đầu tư thực hiện dự án. Việc bố trí vốn đầu tư công cho các dự án thực hiện theo hình thức PPP phải tổ chức thẩm định nguồn vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với các địa phương cấp huyện, các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức BT theo nguyên tắc ngang giá (lấy đất đổi công trình) phải đảm bảo cân đối quỹ đất, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy hoạch.

Trên cơ sở này, thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An đã triển khai được nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT như Dự án xây dựng cầu Cửa Tiền II; Dự án đường Lý Thường Kiệt kéo dài đoạn đi qua phường Hưng Bình; Dự án xây dựng cầu Hiếu 2 trên địa bàn TX Thái Hòa; Dự án Trường Tiểu học Hưng Phúc (TP Vinh)… Nhiều dự án khác đang được đề xuất như Dự án xây dựng khu hành chính, văn hóa và thể thao phường Thu Thủy (TX Cửa Lò), Dự án xây dựng một số tuyến đường nội thị để phát triển hạ tầng giao thông thị trấn Yên Thành (Yên Thành), Dự án xây dựng tuyến đường giao thông liên xã Quỳnh Hậu - Quỳnh Hồng - Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu)…

Cầu Hiếu 2 - một trong những dự án được đầu tư theo hình thức BT
Cầu Hiếu 2, một trong những dự án được đầu tư theo hình thức BT

Những dự án BT được triển khai đã làm thay đổi một bước hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đô thị và góp phần quan trọng vào sự phát triển của thành phố. Đặc biệt như Dự án đường Lý Thường Kiệt, sau hơn 20 năm vướng mắc mới được triển khai; hay như Dự án Trường Tiểu học Hưng Phúc, sau nhiều năm chia tách phường, lần đầu tiên mới có trường tiểu học. Mặc dù vậy, thời gian vừa qua, những ồn ào dư luận liên quan đến các dự án này đã khiến cho các dự án BT bị chững lại.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Nguyên nhân chính là do phần lớn các dự án BT nhà thầu, nhà đầu tư không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi nên dư luận cho rằng, nhà thầu được hưởng giá gói thầu cao trong khi các khu đất đối ứng được định giá thấp. Đơn cử, dự án Trường Tiểu học Hưng Phúc, UBND tỉnh định giá mức gần 5,7 triệu đồng/m2, được cho là quá thấp so với mặt bằng chung về đất đai trên địa bàn TP Vinh hiện nay. Tương tự, với việc định giá đất chưa đến 7 triệu đồng/m2 tại TX Thái Hòa để đổi lấy công trình cầu Hiếu 2, dư luận cũng cho rằng mức giá này chưa tương xứng với nguyên tắc “ngang giá” trong các dự án PPP.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Sở Tài chính Nghệ An, khi đề xuất và phê duyệt mức giá này, các cơ quan, ban, ngành đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Đó mới chỉ là giá sàn ban đầu, quỹ đất này cũng không được sử dụng hoàn toàn mà phải dành một phần không hề nhỏ, kèm với chi phí khác mà nhà đầu tư phải thực hiện như xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè, tổ chức giao thông, di chuyển các công trình ngầm nổi trong chỉ giới thực hiện dự án. Ngoài ra, nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên phát sinh lãi hàng tháng rất lớn.

Dự án cầu Hiếu 2 có tổng mức đầu tư xấp xỉ 210 tỉ đồng, đến nay Cienco 4 đã tự bỏ vốn 100% để hoàn thiện theo yêu cầu của chính quyền sở tại. Thế nhưng, khi công trình đã hoàn thiện, việc đổi đất đang bị tạm dừng lại khiến nhà thầu như “ngồi trên đống lửa” vì theo đại diện lãnh đạo của tập đoàn này, ngoài việc phải chịu lãi suất ngân hàng mỗi ngày, việc chưa được bàn giao đất để đồng bộ cơ sở hạ tầng, phân lô bán nền để thu lại vốn đang khiến doanh nghiệp cùng lúc phải chịu rất nhiều áp lực. Điều này đi ngược lại với tinh thần Quyết định 2123 của UBND tỉnh là “phải đảm bảo cân đối quỹ đất, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy hoạch, bàn giao sớm nhất cho nhà đầu tư, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giảm chi phí lãi suất và trượt giá của dự án”.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, khi nguồn lực của đất nước khó khăn thì huy động được hình thức BT sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, nhiều dự án BT hiện nay đang đi ngược với chính sách quy định, bởi pháp luật quy định các dự án BT khi nào xây dựng xong thì mới quy ra đất, khi đó mới có giá. Do vậy, đã có những dư luận không đồng tình xung quanh một số dự án BT đã và đang triển khai trên địa bàn hiện nay. Mặc dù vậy, theo quan điểm của nhiều sở, ban, ngành cũng như các nhà đầu tư, nên cân nhắc, xem xét để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BT đang triển khai, hoặc đã thực hiện xây dựng xong công trình nhưng chưa được xem xét để giao đất, đổi hạ tầng.

Thiện Thành

Các tin khác