Kinh tế xã hội
Tranh cãi quanh Nghị định 54 về thuốc
14:48, 21/04/2018 (GMT+7)
Định nghĩa về quyền phân phối thuốc đã được mở rộng sang cả lĩnh vực kho bãi và vận chuyển. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động trong lĩnh vực hơn 20 năm qua, theo Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được nhập khẩu nhưng không có quyền phân phối dược phẩm. Ảnh chỉ có tính minh họa. |
Nghị định 54 của Chính phủ đang gây nhiều tranh cãi đối với cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong ngành dược tại thị trường Việt Nam. Sau kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), mới đây Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tiếp tục lên tiếng về Nghị định này và cho rằng những quy định mới đi ngược với tinh thần của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo Eurocham, trước khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Dược được ban hành, các công ty dược phẩm đa quốc gia chỉ có lựa chọn hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển tại Việt Nam.
Kể từ đó tới nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư xây dựng tại Việt Nam nhiều nhà kho, hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho việc bảo quản nhiều loại thuốc.
Theo Eurocham, Nghị định 54 có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 đã cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu, nhưng lại đưa ra nhiều hạn chế khác. Trong đó có việc mở động khái niệm phân phối thuốc bao gồm cả các dịch vụ kho bãi và vận chuyển.
“Điều này tiềm ẩn nguy cơ đối với khả năng hoạt động liên tục của nhà đầu tư hiện tại đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi và vận chuyển tại Việt Nam”, trích trong Sách Trắng 2018 của Eurocham.
Tại một hội thảo gần đây cũng với chủ đề tương tự, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham cho hay, có những công ty đã có mặt ở thị trường Việt Nam đến 20 năm và đầu tư hàng triệu đô la vào thị trường dược phẩm này, đặc biệt trong lĩnh vực vận chuyển và kho bãi. Giờ thì họ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều quy định mới có thể ngăn cản hoạt động của họ tại thị trường Việt Nam.
Theo giải thích của Eurocham, Nghị định 54 vi phạm quy định của WTO và Bảng phân loại dịch vụ tạm thời của Liên Hợp Quốc (UNCPC) bằng việc bao gồm thêm các hoạt động thông thường trong chuỗi cung ứng như dịch vụ kho bãi và vận chuyển.
“Do việc phân phối dược dành riêng cho các công ty 100% vốn trong nước, nên việc mở rộng quy định khiến các công ty nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam hơn hai thập kỷ không thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ kho bãi và vận chuyển tại Việt Nam nữa”, theo Eurocham.
Theo ông Chung Yee Seck, luật sư Công ty luật Baker & McKenzie và đại diện cho tiểu ban pháp lý của Amcham, Nghị định 54 không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc, là những dịch vụ không bị cấm hay hạn chế bởi Luật Dược.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam không cho phép các văn bản pháp luật được áp dụng hồi tố trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định trong Luật ban hành các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo thông tư của Bộ Y tế đang quy định các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ Nghị định 54, tức ngừng các hoạt động bảo quản và vận chuyển thuốc ngay khi dự thảo này có hiệu lực.
Phản hồi ý kiến trên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng quy định trên không vi phạm WTO về việc doanh nghiệp nước ngoài có quyền nhập khẩu nhưng không được quyền phân phối thuốc.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), Nghị định 54 không ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhập khẩu dược phẩm, sau đó bán cho các cơ sở bán buôn. Tuy nhiên, nếu họ thực hiện hoạt động vận chuyển và các hoạt động khác để bán thuốc cho các nhà bán lẻ hoặc người tiêu dùng thì không được.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, từ trước tới nay, doanh nghiệp nước ngoài vẫn thực hiện hoạt động kho bãi và vận chuyển, nay không cho họ làm nữa thì vi phạm quy định về hồi tố. Tuy nhiên, bà Trang cho rằng cần phải xem xét lại vì từ trước tới nay Việt Nam chưa cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động phân phối.
“Nếu họ chẳng may có thực hiện hoạt động nào đó có liên quan thì đấy là hoạt động chưa được phép. Bây giờ, quy định pháp luật mới đã làm rõ những hoạt động nào nằm trong diện hoạt động phân phối”, bà Trang nói.
Nguồn: Thùy Dung/Chinhphu.vn