(Congannghean.vn)-Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam lại hoạt động rầm rộ trở lại trong thời gian gần đây đã làm thất thoát tài nguyên, thay đổi dòng chảy gây sạt lở hai bên bờ sông; gây thất thu về thuế, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng đối với các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động.
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo Công an Nghệ An đã thực mục sở thị tình trạng "cát tặc" trên sông Lam, đoạn qua huyện Đô Lương và Anh Sơn. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, phản ánh của người dân là có cơ sở. "Cát tặc" hoạt động khá rầm rộ, công nhiên khai thác tài nguyên khoáng sản giữa thanh thiên bạch nhật mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ chính quyền sở tại.
Tại nhiều khúc sông, như đoạn giáp ranh giữa hai xã Ngọc Sơn (Đô Lương) với Tào Sơn (Anh Sơn) và đoạn giáp ranh giữa xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) với xã Nam Sơn (Đô Lương), cao điểm có hàng chục tàu cát khai thác trái phép, từ xa có thể nghe thấy tiếng máy nổ vang rền cả một khúc sông.
Qua tìm hiểu thực tế, các điểm khai thác và tập kết này chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng đã hoạt động từ nhiều năm nay. Điều này không chỉ gây bức xúc cho nhân dân địa phương khi khai thác làm ảnh hưởng đến cuộc sống, lao động sản xuất của người dân mà còn khiến những doanh nghiệp khai thác cát, sỏi được cấp phép "kêu trời" vì cạnh tranh thiếu lành mạnh, cát "thổ phỉ" bán phá giá vì họ không phải nộp bất cứ khoản thuế phí nào cho Nhà nước.
Hình ảnh dưới đây do Phóng viên ghi nhận trên sông Lam, đoạn qua các huyện Đô Lương và Anh Sơn trong ngày 29/3/2018:
|
"Công trường" khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam, đoạn giáp ranh giữa các xã Tào Sơn (Anh Sơn) và Ngọc Sơn (Đô Lương). |
|
Từ bến đò Tào Sơn, vắt qua bến cát không phép của gia đình anh Vỹ, có thể quan sát rất rõ bến cát "thổ phỉ" của gia đình anh Thành, cách khoảng 200m về phía hạ lưu. |
|
Ba chiếc tàu đang ngang nhiên hút cát giữa lòng sông Lam để đưa về bãi tập kết trái phép. |
|
Một chiếc tàu đang hút cát trái phép cạnh bến đò xã Tào Sơn. |
|
Bến cát không phép này là của gia đình anh Vỹ, trú tại thôn 3, xã Tào Sơn. |
|
Tại xã Lĩnh Sơn, một bến cát không phép khác cũng tồn tại nhiều năm nay của gia đình ông Ất nhưng không hề bị xử lý. |
|
Tàu cát thường đi hút cát, sỏi di động trên sông Lam, sau đó đưa về tập kết tại bãi của ông Ất trước khi bán ra thị trường. |
|
Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Anh Sơn, bến cát này đang được ông Ất làm hồ sơ xin cấp phép nên khó khăn trong việc xử lý. |
|
Tại huyện Đô Lương, đập bara cũng đang bị uy hiếp khi hằng ngày có những chiếc tàu di động hút cát, sỏi trái phép như thế này. |
|
Mỗi ngày, có hàng nghìn m3 cát được hút lên khỏi lòng sông và bán ra thị trường từ các tàu cát "thổ phỉ", nhưng Nhà nước không hề thu được một đồng thuế nào do chính quyền địa phương các cấp buông lỏng quản lý đối với vấn nạn "cát tặc". |