Kinh tế xã hội

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Tìm hướng tiếp cận hiệu quả

09:54, 01/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã ghi nhận nhiều chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, để nguồn lực đầu tư trở thành động lực thực sự, giúp người dân thoát nghèo triệt để, bền vững, việc phân bổ nguồn lực từ chính sách giảm nghèo cần có cách tiếp cận hiệu quả hơn.

Cần nhân rộng nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả giảm nghèo bền vững (Trong ảnh: Mô hình chanh leo ở huyện Quế Phong)
Cần nhân rộng nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả giảm nghèo bền vững (Trong ảnh: Mô hình chanh leo ở huyện Quế Phong)
Năm 2017, tổng nguồn vốn huy động thực hiện giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 3.456 tỉ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 3.300 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa. Nhờ đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai khá hiệu quả. Trong năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm 2,01% so với đầu năm, đưa tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 7,54%, hộ cận nghèo còn 9,86%. 
 
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, những năm qua, nhiều địa phương đã chú trọng triển khai nhiều đề án, chương trình hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế. Thông qua đó, nhiều hộ dân có việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Bản Đỏn Chám, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong trước đây là vùng trồng lúa nhưng hiệu quả thấp, nhiều vụ phải bỏ hoang. Sau khi nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, huyện đã đầu tư giống, kỹ thuật, xây dựng đầy đủ các hạng mục như hệ thống bể nước, vòi dẫn…, tạo điều kiện cho các hộ dân trồng rau sạch. Kết quả, vụ thu hoạch đầu tiên, hiệu quả kinh tế từ mô hình mới cao gấp 3 lần trồng lúa. Cùng với đó, mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ đập lớn, trồng chanh leo… tại nhiều địa phương miền núi cũng mang lại hiệu quả cao.
 
Bên cạnh những mô hình sản xuất cây, con mang tính truyền thống, cây dược liệu cũng được nhiều địa phương lựa chọn để phát triển kinh tế, thoát nghèo, bởi giá trị kinh tế cao và nhằm mục đích bảo tồn cây dược liệu đặc trưng của địa phương. Trên thực tế, quá trình thực hiện các chương trình, dự án, nhiều địa phương thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân ngay từ đầu, trên cơ sở nghiên cứu điều kiện thực tế của địa phương đó về địa hình đất đai, nguồn lực lao động. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi ngành nghề để mở hướng sản xuất hiệu quả.
 
Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực mà các đề án, mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững mang lại. Song, nhìn chung, những kết quả đạt được vẫn chưa thật sự bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao hơn mức bình quân chung cả nước; mô hình giảm nghèo còn chưa nhiều; nguồn vốn phân bổ triển khai còn chậm... Thực tế trên đòi hỏi cần có sự tiếp cận đa chiều trong công tác giảm nghèo.
 
Theo đó, giảm nghèo ở đây không chỉ căn cứ vào tiêu chí thu nhập, mà còn tính đến khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin. Cùng với đó, hạn chế các chính sách hỗ trợ trực tiếp như gạo và các hiện vật; chú trọng các chính sách hỗ trợ gián tiếp như: Trợ giá giống cây, con mang tính “trao cần câu”; xây dựng cơ sở hạ tầng và mô hình kinh tế… Việc phân loại cụ thể để có chính sách phù hợp theo nhóm hộ nghèo: Nhóm hộ nghèo nhiều năm liền, nhóm hộ nghèo có khả năng thoát nghèo, nhóm hộ nghèo tạm thời do rủi ro cũng cần được thực hiện toàn diện hơn nữa nhằm hiện thực hóa lộ trình xóa nghèo, giảm nghèo bền vững. 
 
Cũng trong thời gian qua, công tác giám sát việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã được tỉnh thực hiện chặt chẽ, quy mô và toàn diện. Trên cơ sở kết quả giám sát, tỉnh đã ban hành nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chương trình với việc đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp mang tính định hướng sát với thực tiễn. Năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo 100% hộ nghèo được tiếp cận, hỗ trợ hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nếu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội nói chung và thông tin nói riêng, sẽ không chỉ góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo mà còn nâng cao nhận thức của đồng bào trong xóa bỏ các hủ tục lạc hậu cũng như đề cao cảnh giác trước những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững và đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Thùy Dương

Các tin khác