(Congannghean.vn)-Nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên gia tăng mạnh mẽ, trở thành doanh nhân thành đạt đang là ước muốn, mục tiêu phấn đấu của rất nhiều bạn trẻ. Khát khao lập thân, lập nghiệp, làm giàu bằng sức lực, trí tuệ đã và đang thôi thúc nhiều thanh niên hành động và khởi nghiệp. Với sức trẻ, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, có ước mơ, hoài bão, tin rằng những khó khăn, thử thách trong lập nghiệp, khởi nghiệp sẽ được sức trẻ phát huy, kiên trì, bền chí, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Lãnh đạo Trung ương Đoàn tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn của thanh niên huyện Nghĩa Đàn |
Khó “bài toán” việc làm cho thanh niên
Nghệ An là tỉnh có dân số đứng thứ 4 cả nước, quy mô lao động lớn, tiềm năng nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, quy mô dân số đông, lao động lớn cũng đang tạo nên nhiều áp lực đối với vấn đề giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động có điều kiện lập nghiệp, khởi nghiệp. Thời gian qua, mặc dù công tác giải quyết việc làm, khuyến khích các đối tượng xã hội tích cực lập nghiệp, khởi nghiệp đã được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến các huyện, thành, thị và các cơ sở xã, phường, thị trấn quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau, tạo được nhiều mô hình, giải quyết việc làm hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, đảm bảo TTATXH, tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người lao động, nhất là đối với người lao động trong độ tuổi thanh niên, các đối tượng đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, thanh niên nông thôn.
Theo thống kê, hiện Nghệ An có gần 1 triệu đoàn viên, thanh niên, chiếm gần 30% dân số của tỉnh, trong đó tỉ lệ có việc làm và việc làm ổn định chỉ được khoảng 60%. Mỗi năm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của tỉnh đào tạo từ 19.000 - 20.000 sinh viên, số sinh viên ra trường chưa có việc làm hiện khoảng 20.000 người. Do đó, để tạo điều kiện cho thanh niên mạnh dạn lập nghiệp, khởi nghiệp cần có những giải pháp cụ thể để khuyến khích thanh niên tham gia, phải tạo ra các cơ chế, chính sách hay nguồn Quỹ đầu tư, hỗ trợ cho những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên…
Có thể thấy, thanh niên hiện nay tự mình lập nghiệp hay khởi nghiệp là rất khó, mới chỉ dừng lại ở những đối tượng đã có nền tảng vững chắc của gia đình hoặc gia đình có điều kiện để hỗ trợ; còn đối với những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên nông thôn thì việc có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng để thực hiện thành công được ý tưởng đó lại là một vấn đề hết sức khó khăn và đầy thách thức. Vì vậy, để giải quyết tốt vấn đề về hỗ trợ, động viên, khích lệ thanh niên tích cực tham gia lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp trong thời gian tới, cần có giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn.
Theo số liệu điều tra đến cuối năm 2014, dân số cả tỉnh có trên 3,1 triệu người. Trong đó, vùng thành thị chiếm gần 15,5% dân số; nông thôn chiếm 84,5%; số người từ 15 tuổi trở lên chiếm 78,94% dân số; số người trong độ tuổi lao động là thanh niên chiếm gần 40%. Trong khi đó, cơ cấu lao động cũng thể hiện: Số lao động đang làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 62,8%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 13,6% và ngành dịch vụ, thương mại chiếm 23,6%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 52% so với tổng nguồn lao động của tỉnh; trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 46%.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, bằng các giải pháp và cơ chế, chính sách đầu tư phát triển của Trung ương và của tỉnh; công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 35.500 người thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từ hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và từ hỗ trợ lao động đi làm việc ngoại tỉnh.
Theo anh Phạm Văn Toàn, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân, viên chức và đô thị, Tỉnh đoàn Nghệ An, bên cạnh những kết quả đạt được thì vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, trong thanh niên trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lao động chưa có việc làm còn nhiều hoặc có việc làm nhưng thiếu ổn định, thiếu bền vững, nhất là đối với lao động đã được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp và chưa qua đào tạo. Nguyên nhân đó là công tác tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của người lao động, của các cấp, ngành trong công tác giải quyết việc làm chưa tốt. Nhận thức về việc làm chưa đầy đủ, toàn diện; còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự tạo việc làm cho mình.
Bên cạnh đó, việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông chưa được quan tâm, dẫn đến cơ cấu lao động ở một số ngành nghề chưa phù hợp. Ngoài ra, chất lượng đào tạo ở một số ngành nghề còn thấp, thiếu tính thực tiễn, mất cân đối giữa các ngành, nghề đào tạo và không đáp ứng được nhu cầu thị trường sử dụng. Một số vị trí việc làm yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhưng không được đào tạo, một số ngành không có nhu cầu hoặc nhu cầu ít nhưng lại được tổ chức đào tạo nhiều.
“Khát” vốn để khởi nghiệp
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1.012 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tập trung vào các lĩnh vực: Trong nông nghiệp như phát triển trang trại, chăn nuôi, mô hình VAC, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, trồng rau màu hàng hóa, hoa cây cảnh. Một số hộ ở các vùng miền núi như Tương Dương, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Kỳ Sơn còn phát triển trồng rừng. Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sản xuất mây tre đan, phát triển nghề mộc dân dụng truyền thống, sửa chữa cơ khí, gò hàn, đóng tàu, sản xuất nhôm kính. Đối với dịch vụ chủ yếu kinh doanh buôn bán, dịch vụ, giải trí… Từ đó có thể thấy, việc xây dựng các mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, lập thân, lập nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Anh Nguyễn Xuân Tiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An chia sẻ: Đối với thanh niên, khi bắt đầu phát triển kinh tế luôn gặp những khó khăn nhất định. Ngoài việc tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ”, chưa dám mạnh dạn, không tự tin để tự mình đứng ra làm chủ mở doanh nghiệp, tự mình lập thân lập nghiệp bằng các kiến thức, tri thức của mình thì hầu hết thanh niên khi lập nghiệp, khởi nghiệp đều gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư, việc tiếp cận với các nguồn vốn vay gặp rất nhiều khó khăn khi tài sản thế chấp chưa có, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thanh niên.
Việc thanh niên khi lập thân lập nghiệp hầu hết đều mang tính tự phát, chưa có chiến lược lâu dài, thiếu kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Hầu hết các mô hình sản xuất của thanh niên mang tính nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa liên kết được với nhau tạo thành chuỗi sản xuất; chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu, chưa tìm được đầu ra ổn định trên thị trường nên gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là việc nắm bắt các cơ chế chính sách của Nhà nước còn rất hạn chế, khi gặp rủi ro gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong cách xử lý, gây thiệt hại lớn trong quá trình sản xuất, kinh doanh… dẫn đến thanh niên ít mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương.
“Tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án “Hỗ trợ thanh niên Nghệ An lập nghiệp, khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2022”. Hưởng ứng chương trình thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn phát động, nhằm hỗ trợ và khuyến khích đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia phát triển kinh tế, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng, phát triển 21 mô hình kinh tế trong thanh niên. Để hành trình khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn thành công và thực sự trở thành “làn sóng” khởi nghiệp như hiện nay, với mỗi thanh niên cần thực sự có khát vọng khởi nghiệp, bền bỉ theo đuổi mục tiêu, nhanh nhạy tiếp cận cơ chế thị trường; trang bị kiến thức trong thời đại khoa học công nghệ; tư duy liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm”, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Xuân Tiệp cho biết.