(Congannghean.vn)-Xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ nhằm tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng mà còn tạo sự tin cậy về chất lượng, giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh trong quá trình phát triển thương hiệu với các hoạt động xây dựng, quảng bá, xúc tiến thương mại. Do đó, để xây dựng, phát triển thương hiệu, các hộ, cơ sở sản xuất, chế biến cần trung thực và có trách nhiệm với sản phẩm của mình; đồng thời, cần có sự phối hợp, quyết tâm của các cơ sở, ngành, địa phương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh cùng các thành viên kiểm tra tại cánh đồng rau an toàn ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn |
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Nghệ An là tỉnh có thế mạnh phát triển một số loại thực phẩm đặc sản. Tuy nhiên, các loại thực phẩm hàng hóa này chưa đem lại giá trị như mong muốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do việc sản xuất hàng thực phẩm còn đơn lẻ, tự phát, chưa chú ý đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Khắc phục tình trạng này, thời gian gần đây, Nghệ An đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho các loại thực phẩm. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành, địa phương xây dựng các thương hiệu thực phẩm của từng địa phương.
Đóng vai trò quan trọng này, ngành Nông nghiệp đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các đơn vị sản xuất, nuôi trồng. Đơn cử, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung xây dựng các mô hình VietGap trong sản xất rau củ quả, mô hình HACCP áp dụng trong chế biến nông - thủy sản, mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ động vật.
Ông Nguyễn Thái Tuấn, Trưởng phòng Chế biến và Xúc tiến Thương mại, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An cho hay: Trong tỉnh đã hình thành được nhiều cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm trong các sản phẩm: thịt, giò chả, rau, gạo, sản phẩm thủy sản. Tiêu biểu có mô hình cam tại các xã thuộc Nông trường Xuân Thành, huyện Quỳ Hợp; mô hình sản xuất nấm theo hướng VietGap tại huyện Yên Thành, mô hình sản xuất rau tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu; các xã vùng bãi ngang như Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa của huyện Quỳnh Lưu; mô hình chế biến nước mắm của Công ty Cổ phần Thủy sản Vạn Phần, huyện Diễn Châu... Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã giúp người dân, các địa phương tạo lập một số thương hiệu thực phẩm, như: Trứng gà xã Hưng Đông, rau Đông Vĩnh (TP Vinh), bưởi hồng Quang Tiến (TX Thái Hòa), tương Sa Nam, cam Con Cuông...
Cùng chủ trương này, ngành Công Thương cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa thực phẩm nói chung, sản phẩm hàng hóa nói riêng tham gia tại các hội chợ triển lãm, thương mại, xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài.
Năm 2015, tham gia Hội chợ Hàng hóa biên giới và Lễ hội hoa quả Thái Lan. Năm 2016, tham gia Hội chợ Công thương quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; tổ chức các đoàn tham gia hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Ninh, Hưng Yên. Năm 2017, đăng cai tổ chức Hội chợ Thương mại khu vực Bắc Trung Bộ; Hội nghị giao thương kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa; Hội chợ Cam Vinh...
Việc tham gia các hội chợ đã giúp thực phẩm nói chung, các mặt hàng hay đặc sản đặc trưng của Nghệ An được quảng bá trên thị trường trong nước và quốc tế. Quan trọng hơn, thông qua các hoạt động quảng bá này, giúp cho người tiêu dùng có cơ hội, điều kiện và khả năng để nhận biết, phân biệt hàng hóa thật - giả, hàng nhái đối với các mặt hàng, sản phẩm cùng loại trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Lãnh đạo các sở, ngành tham quan gian trưng bày sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa Nghệ An (12/2017) |
“Chất lượng quyết định thương hiệu”
Để xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho cam Vinh, Nghệ An đã dán tem truy xuất nguồn gốc trên mỗi quả cam. Tháng 11/2017, Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với Hội cam Vinh chính thức in và dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Tem do Sở Khoa học - Công nghệ sản xuất, quản lý. UBND tỉnh Nghệ An nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý in tem, phát hành, sử dụng, chuyển nhượng, trao đổi, mua bán, tẩy xóa, sửa chữa thông tin quy định trên logo và tem truy xuất nguồn gốc mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả khi chưa được sự đồng ý của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
UBND tỉnh, Ban chỉ đạo khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý cam “Vinh” cũng đã ban hành Quyết định 5443 ngày 9/11/2017 về quy chế quản lý, hoạt động theo Quyết định số 65 ngày 19/10/2017 của UBND tỉnh về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả tỉnh Nghệ An và các văn bản quy định, hướng dẫn khác. Có thể thấy, quy định trên xuất phát từ yêu cầu thực tế, lâu nay, trên thị trường vẫn đang diễn ra tình trạng cam vùng khác mạo danh cam Vinh...
Có thể dẫn chứng thêm về thực tế này như: Tại vùng rau của HTX Nông nghiệp Phú Lương, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu. Sau 5 năm nỗ lực sản xuất rau an toàn, tháng 11/2015, HTX được công nhận tiêu chuẩn VietGap. Sản lượng rau màu đạt từ 400 - 500 tấn/năm, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo. Tuy nhiên, đến nay rau VietGap Phú Lương vẫn chưa xâm nhập vào các nhà hàng, khách sạn, resort lớn với lý do vẫn có những người trồng rau ở đây chưa tuân thủ đúng chuẩn quy trình kỹ thuật, sử dụng tùy tiện phân bón, thuốc kích thích.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Tuấn cho biết thêm: Ở Nghệ An có rất nhiều thực phẩm “ngon, sạch” nhưng chưa được quảng bá rộng rãi, chưa mang lại giá trị đáng kể cho người dân. Do đó, việc xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, vẫn đang còn tâm lý “trông chờ, ỷ lại” vào tỉnh. Để xây dựng, phát triển thành công thương hiệu thực phẩm, đòi hỏi các hộ, tổ nhóm sản xuất phải có sự đồng thuận và quyết tâm cao; sự tham gia tích cực của các địa phương (tạo cơ chế thuận lợi), của các ngành (hướng dẫn xây dựng, đánh giá và công nhận chất lượng); sự tham gia của chuỗi danh nghiệp tạo nên giá trị tăng thêm.
Đánh giá về vấn đề chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tỉnh đã có Quyết định 61 ngày 12/10/2016, quy định phân công trách nhiệm và phối hợp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Đối với ngành Công Thương, thông qua chương trình kết nối giao thương và cung cầu, phát triển thị trường trong nước đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, ngoài nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã hàng hóa đã được các đơn vị quan tâm, đầu tư, cải tiến…; qua đó, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nắm bắt xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng để từ đó xây dựng kế hoạch kinh doanh một cách phù hợp.