Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201802/truong-ban-khoi-day-tiem-nang-tren-vung-da-do-780416/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201802/truong-ban-khoi-day-tiem-nang-tren-vung-da-do-780416/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trưởng bản khơi dậy tiềm năng trên vùng 'đá đỏ' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 08/02/2018, 09:40 [GMT+7]

Trưởng bản khơi dậy tiềm năng trên vùng 'đá đỏ'

(Congannghean.vn)-Sau nhiều lần thử nghiệm và thất bại với một số cây kinh tế thì nay gia đình ông Nguyễn Văn Thiện (SN 1963) trú tại bản Hòa Bình, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu đã thành công với cây ăn quả có múi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng vụ cam năm nay, dự kiến gia đình ông Thiện sẽ thu hoạch trên dưới 5 tấn (giá hiện tại 40.000 đồng/kg tại vườn), mang về số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, trang trại của ông còn trồng các loại cây nguyên liệu, chăn nuôi gia cầm, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
 
Trong những năm gần đây, thương hiệu cam Nghĩa Đàn, cam Quỳ Hợp, cam Con Cuông… đã được khẳng định, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến từ lâu thì vụ cam này trên thị trường bắt đầu có sự góp mặt của cam Quỳ Châu. Đây là sản phẩm cây ăn quả có múi đầu tiên cho ra thị trường ở Quỳ Châu, với chất lượng đã được khẳng định. 
 
Dẫn chúng tôi vào vườn cam trĩu quả đang chín mọng, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng bản Hòa Bình, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu chia sẻ: Để có được những quả cam chín vàng như hôm nay, gia đình tôi đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Giờ đây cây cam, cây quýt, cây bưởi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, hơn hẳn những cây trồng khác đã từng thử nghiệm. Ông Thiện hái một quả cam (giống cam Xã Đoài lòng vàng), rồi bổ ra cho chúng tôi ăn thử ngay tại vườn, vị cam ngọt thơm không thua kém cam trồng ở những địa phương có tiếng trong tỉnh.
Ông bên vườn cam của mình
Trưởng bản Nguyễn Văn Thiện vui mừng với thành quả sau 4 năm miệt mài chăm sóc
Đứng giữa vườn cam, ông Thiện chia sẻ: Ngày xưa, nơi  đây là chỗ người ta đào đá đỏ, cả một vùng rộng lớn bị đào bới tung tóe, tạo thành những ao, hồ, bờ đất nhấp nhô, cây cỏ um tùm, nhiều thú dữ…, phải mất nhiều công sức, tiền của, gia đình tôi mới có thể cải tạo khu đất được bằng phẳng như hôm nay. Tuy vậy, bao gian khổ đó vẫn không thấm gì so với việc sản phẩm ra đời nhưng không tiêu thụ được, vì giá quá rẻ. Ông Thiện kể, đầu những năm 90, gia đình tôi trồng cây cà phê, cây trồng rất thích hợp với vùng đất mới, phát triển nhanh và cho thu hoạch sớm với hàng chục tấn hạt cà phê.
 
Niềm vui này chưa lâu thì chúng tôi phải chặt bỏ hàng nghìn gốc cà phê vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nhiều khi trời mưa giông, 3 - 4 tấn cà phê để ở sân nhà, nước mưa đẩy trôi cũng không thèm vớt lại. Sau đó không lâu, gia đình tôi được khuyến khích trồng cây sắn cao sản. Cũng như cây cà phê, cây sắn sinh trưởng tốt, cho rất nhiều củ nhưng khi bán cũng rất rẻ, 10 kg sắn chưa được 3.000 đồng, không đáng công sức bỏ ra. Tiếp sau đó là cây mía, cây tràm… cũng không đưa lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.
 
Sau nhiều lần thất bại với các cây công nghiệp, ông Thiện đã bỏ công đi nhiều nơi để tìm hiểu, tiếp tục thử nghiệm với các loại cây trồng khác. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng về cây trồng và thị trường tiêu thụ, năm 2013, gia đình ông Thiện làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, quyết tâm đầu tư trồng mới 2.500 gốc cam (giống cam Xã Đoài lòng vàng và cam Vân Du) và trên 3.000 gốc cây có múi khác (quýt, bưởi), trên diện tích 5 ha tại bản Hòa Bình, xã Châu Bình. Ông Thiện chia sẻ, cây có múi nói chung, cây cam nói riêng là một trong những cây trồng “khó tính”, dễ bị sâu bệnh, hư hại. Do đó, quá trình chăm sóc đòi hỏi người trồng cam vừa đầu tư công sức nhưng cũng phải có kỹ thuật mới đem lại thành công. Mùa cam năm trước, trong vườn bắt đầu có quả bói đầu mùa nhưng chúng tôi không giữ quả mà tập trung cho sự phát triển của cây, mùa này mới thu hoạch vụ đầu tiên, ông Thiện cho biết.
1.jpg
Trang trại trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Thiện có diện tích 5 ha
Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn cam của gia đình ông Thiện phát triển xanh tốt, nhiều gốc cam cho thu hoạch vụ đầu hơn 100 kg quả. Bên cạnh vườn cam giống Xã Đoài lòng vàng đang chín rộ, thì vườn cam Vân Du trĩu quả và vườn quýt (giống quýt VQ) sẽ được gối vụ, chín vào dịp giáp Tết, hứa hẹn cho thu nhập cao hơn nữa. Riêng đợt này, ông Thiện khoe với chúng tôi, mới vào đầu vụ cam nhưng gia đình đã bán được hơn 1 tấn (giá cắt tại vườn 40.000 đồng/kg); ước lượng trong vụ đầu, cả vườn cam sẽ thu hoạch được khoảng 5 tấn quả chín, thu về hàng trăm triệu đồng.
 
Bên cạnh vườn cây ăn quả có múi, trang trại ông Thiện còn có 2 ha keo và 3 ha quế. Do được chăm sóc chu đáo nên cây keo sinh trưởng và phát triển nhanh, đến nay, gia đình ông đã thu hoạch được 2 chu kỳ, năng suất đạt 200 tấn/ha. Với giá bán 1,1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí, từ 2 ha trồng keo, qua 2 lần thu hoạch, ông đã thu về gần 600 triệu đồng, chưa kể 3 ha quế cũng sắp đến thời kỳ thu hoạch. Ngoài trồng keo, ông còn chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên đã được giao khoán. Hiện tại, gia đình ông Thiện thuê 2 nhân công làm việc liên tục tại vườn cam, ngoài nuôi ăn ở, các nhân công được trả 4 triệu đồng/tháng. Tại vườn cam, ông Thiện còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, đào ao nuôi cá… vừa cải thiện bữa ăn, vừa tăng thêm thu nhập.
 
Ông Kim Văn Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình đánh giá: Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Văn Thiện còn là một Trưởng bản gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia vận động, giúp đỡ bà con trong bản xây dựng, phát triển kinh tế, đảm bảo ANTT thôn bản. Hiện mô hình kinh tế trang trại vừa trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm… của ông Thiện đang là một điển hình để người dân trong xã, thậm chí trong huyện đến tham quan học tập.
 
Trên địa bàn xã Châu Bình hiện nay có 9 hộ làm trang trại trồng cây có múi, với tổng diện tích trên 12 ha, loại cây này phát triển tốt, tăng thu nhập cho người dân. Sang năm 2018, các hộ dân sẽ đăng ký tăng thêm diện tích khoảng 3 ha để trồng cam và cây có múi khác. Chúng tôi nhận thấy, đây là hướng đi thích hợp của người dân trên địa bàn, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống, ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Đức Thuận, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Chúng tôi rất quan tâm đến mô hình kinh tế trang trại. Hiện, UBND huyện đang có các chính sách để hỗ trợ, động viên các hộ đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế này, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
.

Đức Thắng