Kinh tế xã hội
Xây dựng huyện Con Cuông sớm trở thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái
(Congannghean.vn)-Huyện Con Cuông là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển năng động, toàn diện về dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, có môi trường đầu tư thuận lợi; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái của vùng Tây Nam Nghệ An.
Lãnh đạo huyện Con Cuông giới thiệu mô hình cây dược liệu tại xã Chi Khê với đoàn công tác Trung ương về thăm và làm việc tại địa phương (tháng 8/2017) - Ảnh: Bá Hậu |
Năm 2017, Con Cuông đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích và vận động nhân dân đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, nhất là xây dựng, phát triển mô hình kinh tế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, huy động các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương và tỉnh, sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị và người dân nên kinh tế - xã hội của huyện có bước chuyển biến khá rõ nét. Tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 7,47% so với năm 2016. Giá trị sản xuất ước thực hiện 1.916.128 triệu đồng, đạt 101,24% KH, tăng 8,06% so với cùng kỳ.
Trong năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Con Cuông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như đề án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã Bồng Khê, Chi Khê và thị trấn, nhất là mô hình nhà màng trồng dưa lưới sản xuất bằng công nghệ tưới nhỏ giọt tại Chi Khê. Một số cây trồng chủ lực như lúa, ngô, mía, cam và chè công nghiệp không ngừng được mở rộng diện tích và tăng năng suất; diện tích trồng rừng tập trung được mở rộng gắn với hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Kết quả thực hiện trong phong trào xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến với việc nâng bình quân các tiêu chí trên 10,5 tiêu chí/xã. Đến nay, huyện đã có 1 đơn vị (xã Yên Khê) và 1 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn huyện đã triển khai xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT như nuôi cá leo thương phẩm; cánh đồng lớn; sản xuất thử giống lúa thuần chất lượng cao. Bên cạnh đó, hoạt động của các làng nghề được chú trọng. Đề án xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cam Con Cuông và rượu men lá Lê Đông đã được UBND tỉnh chấp thuận trình Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại và kinh doanh du lịch, khách sạn có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, riêng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 41.031 triệu đồng, tăng 13,96% so với cùng kỳ. Lĩnh vực đầu tư xây dựng, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp thu được nhiều kết quả nổi bật. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 658.568 triệu đồng. Huyện đã tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm như: Đường từ Quốc lộ 7A vào Bệnh viện Đa khoa Tây Nam; tháo gỡ khó khăn trong đền bù GPMB các Dự án thủy điện Chi Khê, thủy điện Khe Thơi - Lạng Khê, Dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại nhà ở tổng hợp TECCO, Trạm xử lý rác thải tập trung tại Yên Khê.
Cùng với đó là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, xúc tiến đầu tư như: Dự án Khu du lịch sinh thái Pha Lài - Môn Sơn, Dự án cây dược liệu của Nhà máy sữa TH, Dự án du lịch sinh thái thác khe Kèm, Dự án cầu Thanh Nam. Công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ theo Kế hoạch 136 của UBND tỉnh được tăng cường; việc thực hiện đánh số hiệu đường và gắn biển số nhà trên địa bàn thị trấn và xã Bồng Khê đang tiến hành theo từng giai đoạn, với lộ trình cụ thể.
Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2017, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của huyện tiếp tục phát triển vững chắc: Toàn huyện có 35/51 trường được công nhận chuẩn; 3 trường đạt chuẩn mức độ 2; tỉ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98,8%; học sinh giỏi tỉnh bậc THCS giữ vững tốp đầu; học sinh giỏi bậc THPT đạt cao.
Lĩnh vực y tế, dân số - KHHGĐ, văn hóa, thể dục, thể thao có nhiều khởi sắc, nổi bật như tổ chức thành công Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc lần thứ 25 và Lễ hội Môn Sơn gắn với Kỷ niệm 86 năm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên miền Tây xứ Nghệ; xây dựng và thẩm định 2 xã (Lục Dạ và Lạng Khê) công nhận xã đạt thiết chế văn hóa thể thao đạt chuẩn; hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về con người và tiềm năng, thế mạnh của Con Cuông được đẩy mạnh, lan tỏa.
Công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, nhất là triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị được siết chặt; hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà làm việc một cửa điện tử hiện đại, giải quyết thủ tục hành chính, rà soát đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.
Đảng bộ, chính quyền luôn quan tâm và thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình trong việc thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc; công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội... Qua đó, góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác giảm nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 26,58% (năm 2016) xuống còn 24,08% (năm 2017).
Quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững; công tác phòng, chống các loại tội phạm được các lực lượng chức năng phối hợp đấu tranh hiệu quả; trật tự ATGT được tăng cường, TNGT giảm cả 3 tiêu chí.
Năm 2018 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ về thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Con Cuông tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ; lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư trên địa bàn để phát triển toàn diện, đưa đô thị sinh thái Con Cuông trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Tây Nam Nghệ An vào năm 2020.
Vi Văn Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện