Kinh tế xã hội
Tài nguyên đất bị 'xẻ thịt': Trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 2)
(Congannghean.vn)-Nghị định 158/2016 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Khoáng sản quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chỉ rõ: UBND cấp huyện tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn; UBND cấp xã phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa tuân thủ thiết kế mỏ, nhất là tình trạng lợi dụng các chủ trương của địa phương, các tổ chức, cá nhân đã tiến hành khai thác, vận chuyển trái phép đất ra khỏi địa bàn để bán vẫn diễn ra ở một số địa phương, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách. Đáng chú ý, các vi phạm xảy ra nhiều nhưng chưa được kịp thời chấn chỉnh, xử lý gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Việc khai thác, vận chuyển khoáng sản khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt gây thất thoát tài nguyên, nguồn ngân sách và làm hư hại hạ tầng giao thông |
Bài 2: Buông lỏng công tác quản lý khoáng sản
Nghệ An là một trong những tỉnh có tiềm năng về khoáng sản, phong phú về chủng loại và đa dạng về nguồn gốc, có thể cung cấp nguyên liệu để phát triển một số ngành công nghiệp. Trong những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập: Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các địa phương chưa đồng bộ; đặc biệt là trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn triệt để hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng, xuất khẩu khoáng sản trái phép, làm ảnh hưởng đến môi trường, gây mất ANTT, an toàn xã hội, làm thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất và thất thu ngân sách. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Từ những lý do trên nên trong một thời gian dài, tình trạng khai thác khoáng sản “chui”, khai thác khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, phổ biến là khai thác tài nguyên đất trái phép vẫn diễn ra, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế cũng như vấn đề xã hội.
Tại một số địa phương như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu… lâu nay tình trạng các tổ chức, cá nhân, thậm chí là hộ gia đình đã “cấu kết” với doanh nghiệp, dịch vụ vận tải để “tuồn” đất ra ngoài địa bàn trên danh nghĩa cải tạo đất, bình chỉnh mặt bằng để dồn điền, đổi thửa; mở rộng nghĩa trang, nâng cấp nhà văn hóa, sân vận động… Có thể thấy, mọi hoạt động này diễn ra trên địa bàn không thể là không hay biết. Các luật, văn bản dưới luật cũng như các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh đã ban hành cũng phân công, phân cấp trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan. Thế nhưng, hiệu lực, hiệu quả của công tác này chưa thật sự chuyển biến mà còn có biểu hiện buông lỏng, né tránh trách nhiệm, cá biệt là biết, thấy nhưng vẫn để cho làm.
Trở lại việc ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, việc cho Công ty TNHH Hòa Anh vào xóm 2 để mở rộng đường phòng cháy rừng là có thật. Trong suốt quá trình khai thác diễn ra công khai, việc vận chuyển đất lấy từ đồi núi đi qua nhiều thôn, xóm của xã và đến xã khác ai ai cũng có thể thấy; thậm chí quá trình vận chuyển xe quá tải trọng làm hư hỏng đường giao thông người dân đã phản ánh nhưng chậm được giải quyết.
Theo ông Đoàn Văn Yên, công chức địa chính - xây dựng xã Trung Sơn, xã chỉ biết là hợp đồng giữa Công ty với xã để hạ mặt đường, thuận tiện việc đi lại; còn đất họ di chuyển đi đâu xã không hay biết. Bởi ở vùng nông thôn, việc lập, thiết kế khi thi công chưa thể thực hiện theo quy trình. Xã cũng chỉ nắm được chỗ công ty múc đất để mở rộng đường phòng cháy rừng, nhưng sau đó lấy đất nơi khác để đi bán cũng không biết. Chính quyền xã cũng thừa nhận trách niệm quản lý về đất đai trên địa bàn chưa chặt chẽ và hết trách nhiệm.
Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh từ phóng viên, ông Đậu Văn Chinh, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đô Lương đã chỉ đạo các lực lượng của xã sớm kiểm tra, giải quyết và có biện pháp chấm dứt ngay hiện tượng khai thác đất để bán ra địa bàn.
Còn tại xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, việc hộ dân xóm 10 khai thác đất chở ra ngoài diễn ra trong một thời gian dài nhưng khi có phản ánh từ người dân và phóng viên, bản thân người đứng đầu chính quyền nơi đây tỏ ra bất ngờ. Bởi theo họ, trường hợp này đã được đoàn của xã kiểm tra, lập biên bản nên “không có việc chở đất bán ra ngoài”.
Theo ông Nguyễn Bá Điệp, Trưởng phòng TN&MT huyện Nghi Lộc, huyện rất quyết liệt vấn đề này, vì thời gian qua, tình trạng khai thác đất trái phép chở ra ngoài địa bàn diễn ra nhiều. Còn tại địa điểm như phản ánh thì huyện chưa nắm được và sẽ cho đoàn liên ngành cũng như chỉ đạo xã Nghi Mỹ kiểm tra, chấm dứt ngay. Quan điểm của huyện là tất cả các trường hợp không có giấy phép khai thác khoáng sản thì cấm tuyệt đối, kể cả cải tạo đất vườn; còn các công trình, dự án cần nạo vét thì phải trình cấp có thẩm quyền kiểm tra, xem xét, thẩm định; lượng đất sau khai thác phải nộp phí môi trường và tiền khai thác tài nguyên theo quy định, không để thất thu. Tuy nhiên, việc xử phạt rất khó, do chức năng của huyện không kéo được máy móc, phương tiện về.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với Công an huyện kiểm tra, phát hiện và đã xử lý các trường hợp khai thác đất trái phép diễn ra trên địa bàn các xã Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Tiến, Nghi Công Bắc. Phòng TN&MT yêu cầu các xã tăng cường quản lý, có biện pháp chấm dứt tình trạng hoạt động khai thác san lấp mặt bằng và lấy đất mặt ruộng sản xuất bán cho các nhà máy gạch. Tuy nhiên, do công tác quản lý lỏng lẻo nên việc khai thác đất trái phép vẫn còn xảy ra kéo dài, lặp lại nhiều lần, gây tổn thất tài nguyên, ô nhiễm môi trường và gây bức xúc trong nhân dân. Trước thực trạng này, ngày 4/1/2018, UBND huyện Nghi Lộc cũng đã ban hành Quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Duy Việt, Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An cho biết: Ngày 27/3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/2013 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản nhìn chung chưa tuân thủ thiết kế mỏ, chưa đảm bảo an toàn lao động; ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức hoạt động khoáng sản chưa cao, việc vận chuyển khoáng sản làm hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường; tình trạng khai thác, vận chuyển, tập kết và tiêu thụ cát, sỏi, đất các loại trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách; các vi phạm xảy ra nhiều nhưng chưa được kịp thời chấn chỉnh, xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân trước hết là do các chủ mỏ chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các ngành, chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) chưa chặt chẽ…
Để khắc phục những tồn tại trên, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực khoáng sản và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác thì cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Xuân Thống