Kinh tế xã hội
Xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông
Người dân kêu khổ vì đường quá lầy lội
08:43, 07/02/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Mặc dù cử tri xã Thạch Ngàn đã nhiều lần có ý kiến phản ánh lên các cấp có thẩm quyền, đề nghị nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường hư hỏng trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương phát triển kinh tế thuận lợi… Tuy nhiên, đã nhiều năm, tình trạng hư hỏng đường sá trên địa bàn xã Thạch Ngàn không giảm bớt mà ngày càng hư hại nghiêm trọng hơn.
Thạch Ngàn là xã miền núi nghèo cách trung tâm huyện Con Cuông 20 km, đường giao thông đi lại rất khó khăn, vì vậy cuộc sống của người dân nơi đây chịu nhiều thiệt thòi. Tất cả các tuyến đường vào Thạch Ngàn từ liên huyện, liên xã và liên thôn đều đường đất, khi nắng thì bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, khi mưa thì đường vỡ nát sình lầy nhão nhoét, trơn trượt gây khó khăn trong đi lại và sinh hoạt cho nhân dân vùng này và vùng lân cận. Cụ thể, tuyến đường từ Thạch Ngàn đi các xã Thọ Sơn, Thành Sơn, huyện Anh Sơn hay tuyến đường từ xã Mậu Đức đi xã Thạch Ngàn bao năm qua là nỗi ám ảnh đối với người dân trên địa bàn. Đặc biệt, mỗi lần đến mùa mưa bão, xã Thạch Ngàn gần như bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, vì đường sá hư hỏng.
Xe tải chở nguyên liệu liên tục hoạt động, khiến cho tuyến đường ngày càng hư hại |
Thời điểm này, nếu đi vào xã Thạch Ngàn chỉ duy nhất bằng xe gắn máy hoặc xe tải, các phương tiện khác không thể vượt qua được những đoạn đường sình lầy. Mặt đường không còn bằng phẳng, thay vào đó là những luống, rảnh không khác nào ruộng trồng khoai lang với những luống cao thấp kế tiếp nhau. Nhiều khi, chính những xe tải chở hàng đi qua đây gặp phải sình lầy cũng không thể vượt qua được cho đến khi buộc phải tháo dỡ bớt hàng hóa trên xe. Do đó, nếu hỏi đường về xã Thạch Ngàn, nhiều người sinh sống ở thị trấn Con Cuông đều lắc đầu ngán ngẩm, ái ngại.
Anh Lưu Tuấn Anh trú tại bản Thạch Tiến, xã Thạch Ngàn cho biết: Người dân nơi đây ruộng lúa ít, chủ yếu trồng mía, keo và sắn, đó là nguồn thu nhập chính của bà con. Để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân, tôi phải đi xe tải vào tận nơi chở ra nhập cho các nhà máy. Biết là đường khó đi, nhưng vì cuộc sống mưu sinh của cả hai bên nên vẫn phải chấp nhận. Trước đây, xã Thạch Ngàn phối hợp với Nhà máy mía đường sông Lam rải đá nâng cấp đường nhưng vì xe tải ra vào nhiều, thời tiết lại khắc nghiệt nên chỉ được một thời gian đường vào Thạch Ngàn lại bị vỡ nát, lún sâu và hư hỏng nặng.
Một người dân ở xã Thạch Ngàn bức xúc cho biết: Trong các cuộc họp thôn, xã, họp Hội đồng nhân dân, chúng tôi đều có ý kiến phản ánh về tình trạng xe tải cày nát đường nhưng mọi việc đâu lại vào đấy. Người dân ở đây đã khổ, giờ đường sá hư hỏng như thế này, việc đi lại khó khăn thì phát triển kinh tế càng khó hơn. Người dân ở đây mong Nhà nước, cấp trên đầu tư để sửa lại tuyến đường cho xã, cho dân đi lại bớt vất vả.
Thầy Hà Văn Liều, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Ngàn cho biết: Tôi là người ở vùng khác đến đây dạy học, hàng ngày cùng các thầy cô trong trường và học sinh trong xã phải “gồng mình” vượt qua những cung đường lầy lội, nhão nhoét đến trường. Tình trạng này đã nhiều năm, về mùa nắng dù có bụi bặm nhưng đang còn đỡ, khi mùa mưa đến thì hết khổ. Học sinh đến trường em nào cũng bẩn hết quần áo, người dân nơi đây đa phần đi ủng chứ ít khi đi dép, vì đường quá bẩn.
Hy vọng rằng, những mong muốn của cử tri và nhân dân trên địa bàn xã Thạch Ngàn sớm được các ngành chức năng quan tâm, kiểm tra khảo sát, có kế hoạch nâng cấp sửa chữa trong thời gian tới, tạo điều kiện để người dân đi lại thuận lợi.
V. Thành