Kinh tế xã hội
Tạo lập môi trường kinh doanh vận tải công bằng và lành mạnh
(Congannghean.vn)-Năm 2017, công tác quản lý vận tải của tỉnh có nhiều thay đổi tích cực. Trong đó, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách ngày càng được siết chặt và từng bước đi vào nề nếp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trong hoạt động vận tải; đồng thời thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động của phương tiện đường thủy nội địa |
Tính đến hết tháng 10/2017, Sở GTVT Nghệ An đã cấp phép cho 261 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trong đó gồm: 39 đơn vị hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định và hợp đồng, 25 đơn vị vận tải hành khách bằng taxi, 7 đơn vị xe buýt, 190 đơn vị vận tải hàng hóa. Cùng với đó, việc thực hiện gắn phù hiệu cho các phương tiện vận tải cũng được quan tâm thực hiện. Theo đó, có 9.973 xe ôtô kinh doanh vận tải được cấp phù hiệu, gồm: 742 xe khách chạy tuyến cố định, 344 xe hợp đồng, 250 xe buýt, 2.000 xe taxi, 496 xe container; 721 xe đầu kéo và 5.420 xe tải có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên.
Sự phát triển nhanh của hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, kết nối chặt chẽ các địa phương trong và ngoài tỉnh. Cũng trong năm qua, khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt khoảng 20,5 triệu tấn, lượng hàng hoá luân chuyển đạt 2,87 tỉ tấn. Về đường hàng không, lượng hành khách thông qua cảng hàng không khoảng 1,413 triệu lượt hành khách, doanh thu đạt 48,8 tỉ đồng; lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 2,628 triệu tấn, doanh thu ước đạt trên 120 tỉ đồng.
Liên quan đến hoạt động vận tải đường thủy, trên địa bàn tỉnh hiện có 127 bến thủy nội địa, gồm: 16 bến khách ngang sông, 6 bến khách du lịch (dọc sông và từ bờ ra đảo) và 105 bến hàng hóa. Công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách cũng được Sở GTVT đẩy mạnh thực hiện, với 596 phương tiện được đăng ký; chấp thuận cho 1 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng tàu cao tốc trên tuyến Lan Châu - Hòn Ngư (TX Cửa Lò).
Nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn, Sở GTVT đã thành lập các tổ kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải; qua đó, phát hiện một số vi phạm và lập biên bản xử lý vi phạm. Cùng với đó, tăng cường chấn chỉnh và đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện nghiêm túc việc quản lý lái xe, ngăn chặn tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, gây mất TTATGT.
Năm 2017, nhiều đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định, điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng được thực hiện. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định; chạy sai hành trình, lịch trình vận tải; không có phù hiệu vận tải; các hiện tượng “xe dù”, “xe hợp đồng trá hình"… Bên cạnh đó, nhiều phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng được tập trung xử lý.
Kết quả, đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 953 trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng, chở hàng rơi vãi; xử phạt với số tiền trên 3,2 tỉ đồng. Liên quan đến các vi phạm về tốc độ thông qua dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình, các phương tiện vi phạm đã bị cảnh cáo, thu hồi phù hiệu có thời hạn. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cũng bị phê bình, cảnh cáo và giao Thanh tra Sở GTVT xử phạt theo quy định.
Liên quan đến việc tạo lập môi trường kinh doanh vận tải công bằng và minh bạch, ngoài sự vào cuộc của ngành GTVT, các doanh nghiệp vận tải cũng cần quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho đội ngũ lái xe nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp tiến hành khảo sát, dự báo nhu cầu vận tải để quản lý hoạt động vận tải, tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là lĩnh vực vận tải khách bằng xe buýt và taxi; đồng thời, xử lý nghiêm tình trạng xe dù, xe kinh doanh trái phép gây ảnh hưởng đến các phương tiện hoạt động đúng quy định pháp luật.
Cũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Hiệp hội Vận tải ôtô Nghệ An, các hội viên tiếp tục kiến nghị bãi bỏ phân vùng địa bàn và quy định giá bán lẻ vùng 2 đối với mặt hàng xăng dầu trên địa bàn Nghệ An để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp hội viên.
Tạo dựng môi trường kinh doanh vận tải công bằng, lành mạnh không chỉ góp phần quan trọng đảm bảo TTATGT mà còn giảm thiểu các vi phạm liên quan đến ANTT trên địa bàn. Bởi vậy, nhiệm vụ này cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các ban, ngành liên quan và từ chính ý thức của các lái xe, chủ xe và đơn vị kinh doanh vận tải.
Thùy Dương