(Congannghean.vn)-Xã Thạch Giám, huyện Tương Dương có 100% bản đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, trong đó bản Phòng được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An công nhận “Làng văn hóa” từ năm 1998. Người dân nơi đây không những thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn có đời sống kinh tế ổn định; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng… Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra hằng ngày đó là chợ tự phát án ngự trước cổng Làng văn hóa bản Phòng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến trật tự ATGT, đặc biệt là nguy cơ tai nạn giao thông.
Chợ tự phát họp trước cổng Làng văn hóa bản Phòng suốt từ sáng đến tối |
Bản Phòng thuộc xã Thạch Giám, huyện Tương Dương cách chợ Hòa Bình khoảng 1 km, rất thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Để người dân địa phương có cuộc sống ổn định, trong những năm qua, UBND huyện Tương Dương đã quan tâm, tạo mọi điều kiện trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, qua đó không ngừng nâng cao đời sống về tinh thần và vật chất. Hiện, bản Phòng có gần 80% hộ gia đình có đời sống kinh tế ổn định; đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú; các thiết chế văn hoá, giáo dục, y tế phù hợp, thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn hoá, thể thao vui chơi giải trí.
Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực trên thì hiện nay, một số người dân địa phương đang sử dụng hai bên đường trước cổng Làng văn hóa bản Phòng để họp chợ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến trật tự ATGT, khiến người dân bất bình, chính quyền địa phương phải bỏ nhiều thời gian, công sức để xử lý.
Có mặt tại chợ tự phát vào lúc 11 giờ ngày 8/1, chúng tôi thấy không những người dân ngồi cạnh đường bày bán hàng hóa các loại như rau thịt, cá, gà, vịt mà còn dựng mái che ra tận đường, mùi hôi tanh bốc ra khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi. Chị Trần Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non Thạch Giám cho biết: “Mỗi lần đi làm qua khu vực này, chúng tôi phải nín thở vì mùi tanh của cá. Do người dân chợ họp lấn hết lòng, lề đường nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông".
Còn 1 người dân trú tại bản Phòng bức xúc: “Đây là chợ tự phát do người dân buôn bán lập nên hơn 1 năm nay. Đã là chợ tự phát thì không ai quản lý, tất cả hàng hóa đều nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Thậm chí, hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng đưa về đây trà trộn bày bán, không những gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn trốn được thuế kinh doanh. Vì thế, mặc dù chợ thị trấn Hòa Bình sát kề nhưng người dân không đưa hàng đến bán”.
Chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND huyện Tương Dương để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên thì được biết, trước đó, một số hộ dân bản Phòng mượn đất công của bản trồng rau, hoa quả sạch để bán nhưng hàng hóa sản xuất ra, dân không đưa đến chợ thị trấn Hòa Bình mà tập trung mua bán trước cổng Làng văn hóa bản Phòng, sát Quốc lộ 7A. Điều đáng nói, từ khi có chợ tự phát đã làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT. Hầu hết các phương tiện và người dân qua lại khu vực này thường bị tắc nghẽn bởi lòng, lề đường bị lấn chiếm để họp chợ. Khi lực lượng chức năng đến làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT thì người dân lại phản ứng.
“Theo nguyện vọng của người dân, huyện Tương Dương đồng ý xây cho bà con bản Phòng một chợ trời (cách Quốc lộ 7 khoảng 1 km - P.V). Nói là chợ trời nhưng có lán, mái che và có Ban quản lý chợ… Tuy nhiên, khi có chợ, bà con lại không vào chợ để mua bán vì sợ phải nộp thuế và không chịu sự quản lý của Ban quản lý chợ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến chợ tự phát mọc ngay trước cổng Làng văn hóa bản Phòng ngày một đông và phức tạp”, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương trao đổi.
Điều đáng nói, khi cơ quan chức năng phát hiện một số sản phẩm nông sản bày bán trước cổng Làng văn hóa bản Phòng không phải sản phẩm do người dân trong bản sản xuất mà được mua đi bán lại, chủ yếu là người dân địa phương khác mang đến để kinh doanh, trong khi ruộng đồng của một số hộ dân thuê đất công của bản để sản xuất thì bỏ hoang, hoặc sản xuất nhưng không đem lại hiệu quả, chính quyền huyện đã quyết định giải thể chợ tự phát, vừa để đảm bảo ANTT và môi trường sinh thái, phòng, chống bệnh tật, đặc biệt là đề phòng tai nạn giao thông có thể xảy ra.
“Trước khi giải thể, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp với toàn thể cán bộ, nhân dân bản Phòng và trên 80% bà con đồng thuận, nhất trí cao. Chính quyền huyện cũng đã cho nâng cấp, sửa lại các mái che, tấm lợp và đề nghị bà con vào chợ thị trấn để buôn bán. Tuy nhiên, bà con lại không nhận thức được sự quan tâm của chính quyền địa phương, mà nghe một số đối tượng xấu kích động, cho rằng chính quyền không thương dân”, ông Nguyễn Văn Hải cho biết thêm.
Thiết nghĩ, việc thành lập chợ phải được cơ quan chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo thực hiện, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hoá của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận. Bởi chợ là một bộ phận quan trọng trong tổng thể hạ tầng kinh tế - xã hội; phù hợp với quy hoạch thương mại, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch liên quan. Việc chợ tự phát đang diễn ra trước cổng Làng văn hóa bản Phòng không những vi phạm quy định mà còn tự đánh mất nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục do chính người dân bản đã dày công xây dựng hàng chục năm qua. Để không bị đối tượng xấu lợi dụng kích động, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, người dân địa phương nên nhìn nhận đúng bản chất sự việc, chấp hành tốt quy định của Nhà nước và của địa phương.