Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, đề xuất thu thuế này là phù hợp với pháp luật về thuế ở Việt Nam, song tính khả thi thì cần phải xem xét lại.
Thuê người nổi tiếng để tăng sự tương tác
Vào tháng 8-2015, Facebook lần đầu cho ra mắt tính năng phát video trực tiếp từ ứng dụng Facebook Mentions tới một số ít người dùng. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau đó, tính năng phát video trực tiếp (live stream) với tên gọi mới là Facebook Live bắt đầu mở rộng tới mọi người sử dụng Facebook. Ban đầu xuất hiện ở Mỹ rồi lan sang các nước khác trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề thu thuế đối với người nổi tiếng làm livestream bán hàng. |
Khi tính năng này đã trở nên phổ biến, hầu hết những ai kinh doanh qua mạng đều tận dụng nó để bán hàng trực tiếp cho khách. Đây không chỉ là cách thức bán hàng mới mà còn đem lại hiệu quả cho chủ shop. Tính năng này đem đến tính tương tác rất cao giữa người bán và người mua, người bán thu về đơn hàng nhiều hơn so với dùng tin nhắn bình thường.
Đặc biệt, chi phí cho những lần phát trực tiếp này là 0 đồng. Trước đây, khi muốn kinh doanh một sản phẩm người ta phải tính toán rất nhiều các khâu như thuê mặt bằng, địa điểm cho đến nhân viên… Rõ ràng việc này sẽ tốn một khoản tiền không hề nhỏ. Hiện nay những chủ hàng đã có giải pháp hết sức lợi là bán hàng online, đặc biệt thông qua tính năng livestream của Facebook. Việc này không chỉ tối giản hóa chi phí đầu tư, livestream còn miễn phí và cho tương tác rất tốt.
Theo thống kê, thông thường những cá nhân kém nổi tiếng có thể đạt vài nghìn lượt người xem trong một buổi livestream bán hàng, riêng những người nổi tiếng thì lượng người xem có thể đạt hàng chục nghìn, trăm nghìn. Đặc biệt hơn khi mà khách hàng bỏ lỡ buổi phát sóng có thể xem lại comment, người bán hàng vẫn trả lời khách hàng bình thường như một bài đã post.
Kiểu bán hàng này đánh vào tâm lý chung của người mua hàng, họ đều muốn xem sản phẩm một cách chân thật, chi tiết nhưng lại rất ngại đến tận nơi để mua. Việc ngồi nhà đặt hàng mà vẫn còn thể xem hình ảnh thực tế 100% thì đúng là quá tiện lợi.
Trong khi bài post bình thường chỉ cho khách hàng xem một góc của mặt hàng qua hình ảnh, nhiều người còn lo lắng ảnh đó rất ảo, do tài chụp của chủ. Chị Ngô Thu Thủy (nhân viên văn phòng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Quả thực xem livestream thấy người bán hàng thử trực tiếp quần áo, giày dép lên người thấy đẹp thì sẽ mua. Rõ ràng xem như vậy sẽ trực diện hơn rất nhiều. Việc nhìn sản phẩm qua ảnh rất khó để tin vì nhiều shop online lấy ảnh hàng “xịn” nhưng giao hàng tới lại là hàng “nhái” kém chất lượng. Tôi là tín đồ của việc mua hàng online, đơn giản vì không có thời gian đi shop, tận dụng vào các thời gian nghỉ trưa, thậm chí vừa làm việc vừa xem livestream được. Đặc biệt hơn, chị em thường xuyên qua Facebook của những người nổi tiểng để mua quần áo, giày dép, đồng hồ. Khi vào đó mua hàng, mình sẽ được đảm bảo hơn nhiều, đơn giản vì họ là những người nổi tiếng, họ phải có trách nhiệm với những gì mình nói. Đa phần họ đều là những người biết cách ăn mặc, mình theo họ là đúng rồi”.
Livestream bán hàng ngày càng trở thành công cụ hữu ích để bán hàng. |
Chính vì sự tương tác quá lớn, quá tiện ích này mà các nhãn hàng lớn, shop lớn đã tận dụng triệt để, thậm chí họ còn thuê một số người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên… về làm đại diện cho hãng của mình. Rõ ràng với hình ảnh của họ, số lượng người theo dõi, chia sẻ sẽ tăng lên đột biến.
Chị Lê T.H người có một shop đồng hồ khá nổi tiếng, tuy nhiên cửa hàng của chị không lớn và chỉ được đặt tại nhà. Chị H cho rằng, chị là một trong những người đầu tiên thuê người nổi tiếng quảng cáo cho shop đồng hồ của mình, hiệu quả của nó là vượt qua sự mong đợi.
Chị H chia sẻ: “Thực ra đồng hồ của shop mình là hàng xịn, tự mình quảng cáo, rao bán trên trang cá nhân khó bán lắm. Khách hàng nhiều nhưng họ có phần e dè về chất lượng. Để khẳng định chất lượng shop của mình tôi đã sử dụng cách “thuê Face” của một số người nổi tiếng.
Có hai cách “thuê Face”, một là đăng hình ảnh sản phẩm của mình trên trang cá nhân của họ, chi phí cho cái này ít hơn, chỉ vài ba triệu một trạng thái. Cách thứ hai là thuê họ làm hẳn livestream, lượng người xem, chia sẻ tăng lên đột biến, tất nhiên những đơn hàng sẽ rất nhiều. Tuy nhiên mỗi livestream có giá không hề rẻ”.
Thu thuế để đảm bảo sự công bằng
Mới đây, đại biểu Tô Bích Châu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh có đề xuất với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh nên có giải pháp thu thuế đối với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm, livestream bán hàng qua mạng xã hội tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX.
Mục đích của việc làm này là tạo sự công bằng. Nhiều người cho rằng việc thu thuế người nổi tiếng livestream giới thiệu sản phẩm trên trang cá nhân là khó bởi hạ tầng pháp lý hiện tại chưa đáp ứng được. Hơn nữa một số người nổi tiếng cho rằng, việc giới thiệu sản phẩm thông qua trang cá nhân của mình họ đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Đại biểu Tô Bích Châu chất vấn Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. |
Họ cho rằng nếu theo đề nghị phải đóng thuế nữa thì thật khó hiểu là đóng tiền gì, và quy vào loại thế gì? Khi hợp tác với các nhãn hàng lớn, các doanh nghiệp thì họ rất rõ ràng về chi phí, thuế. Tất cả đều được thể hiện bằng hợp đồng ràng buộc.
Chị Lê T.H, người thường xuyên livestream bán hàng cho nhiều chủ shop cho rằng, họ quay video, clip ngắn hay dài, livestream hay bài PR, làm event đều có hợp đồng. Khi đã có hợp đồng, hai bên sẽ thỏa thuận mức thuế 10% GTGT và thuế TNCN ai phải đóng? Thường thì doanh nghiệp sẽ phải đóng, vì khoản này được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp.
Rõ ràng việc đóng thuế khi phát sinh thu nhập bằng các hình thức này thì họ đã đóng thuế rồi. Trên thực tế, khi hợp tác với doanh nghiệp, nhãn hàng để giới thiệu sản phẩm trên trang cá nhân đều chung một quan điểm là có phát sinh thu nhập thì phải làm nghĩa vụ thuế. Thế nhưng thu thuế sẽ dựa trên những điều khoản nào để có cơ sở áp dụng.
Còn chưa có luật định khung thì công dân được phép làm bất cứ thứ gì khi pháp luật không cấm. Một chủ tài khoản có tên T.T.L, chuyên bán hàng online cho hay: “Làm được việc này thực sự không hề đơn giản. Cần phải có lộ trình cụ thể, nếu không phải là thu nhập cá nhân thì cần có quy định ra sao, mức như thế nào. Chúng tôi không phản đối đề xuất này nhưng phải làm thế nào cho phù hợp, để các cá nhân có những hoạt động này tâm phục khẩu phục”.
Các chuyên gia cho rằng, đề xuất của đại biểu Bích Châu là phù hợp với pháp luật về thuế ở Việt Nam, song tính khả thi thì cần phải xem xét lại. Nếu những người nổi tiếng thành lập doanh nghiệp và hoạt động quảng bá với tư cách là doanh nghiệp thì họ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT và thu nhập cá nhân.
Ngược lại nếu hoạt động theo tư cách cá nhân thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên khi xem lại hợp đồng kinh tế, bên nào là người chịu trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân, nếu người nổi tiếng chịu trách nhiệm đóng thì xem lại trách nhiệm đóng thuế của họ như thế nào?
Với những người nổi tiếng thường có các khoản thu từ quảng cáo trên trang cá nhân và để không phụ thuộc vào mức kê khai của họ, cơ quan chuyên môn cần thúc đẩy việc thanh toán các hợp đồng qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác để giám sát, bởi một cơ quan thì không thể làm triệt để được.
Nhiều khách hàng cho rằng mua hàng qua các livestream sẽ trực diện hơn, thực tế hơn. |
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần tạo thói quen khiến người nổi tiếng có ý thức nộp thuế thu nhập cá nhân. Muốn vậy phải có pháp chế đủ mạnh để thực hiện và có chế tài nghiêm khắc với hành vi trốn thuế.
Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Trần Ngọc Tâm cũng thừa nhận nếu giao dịch thuần túy trong nước sẽ chi phối bằng các luật lệ hiện hành, còn những hoạt động khác thì đúng là ngành Thuế còn lúng túng. Ông Tâm thông tin thêm, TP Hồ Chí Minh có khoảng 13.800 tài khoản Facebook quảng bá sản phẩm hoặc có hoạt động thương mại điện tử.
Tuy nhiên, xác minh cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn tham gia hình thức giao dịch điện tử trên mạng xã hội và các sàn giao dịch đều là những đơn vị đã có đăng ký thuế. Còn rất nhiều chưa đăng ký thuế, đặc biệt dưới dạng nickname trên Facebook thì ngành Thuế thành phố cũng đã nhận dạng và bước đầu phát động ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của họ. Mới đây, cơ quan thuế đã gửi thư đến gần 13.800 nickname Facebook, lập biên bản xác định số liệu kinh doanh với gần 3.780 tổ chức, cá nhân.