Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201711/quan-ly-tai-nguyen-nuoc-dong-bo-hieu-qua-765711/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201711/quan-ly-tai-nguyen-nuoc-dong-bo-hieu-qua-765711/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Quản lý tài nguyên nước: Đồng bộ, hiệu quả - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 07/11/2017, 14:17 [GMT+7]

Quản lý tài nguyên nước: Đồng bộ, hiệu quả

(Congannghean.vn)-Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu của đời sống. Tuy nhiên, tại một số địa phương, nguồn nước đang có sự suy giảm cả chất và lượng. Với tốc độ phát triển nhanh của ngành công nghiệp tỉnh nhà, việc đảm bảo chất lượng cũng như quản lý tài nguyên nước đang được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

Cần siết chặt hoạt động khai thác cát, sỏi gây ảnh hưởng tới dòng chảy của các con sông lớn
Cần siết chặt hoạt động khai thác cát, sỏi gây ảnh hưởng tới dòng chảy của các con sông lớn

Suy giảm số lượng và chất lượng nguồn nước

Nghệ An có mạng lưới sông suối khá dày đặc với các sông lớn như sông Cả, sông Hiếu, sông Giăng và khoảng 16 con sông, suối nội tỉnh khác. Trên toàn tỉnh hiện có khoảng 1.777 công trình khai thác, sử dụng nước mặt, trong đó chủ yếu là các công trình phục vụ cấp nước cho nông nghiệp, chiếm tới 66,29% tổng số công trình khai thác nước. Các công trình khai thác nước phục vụ sinh hoạt thời gian qua đã được chú trọng đầu tư, áp dụng công nghệ mới. Các công trình cấp nước công nghiệp hiện tại chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt. Quy mô, công suất các nhà máy nước được đầu tư xây dựng lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn.

Liên quan đến hoạt động khai thác và quản lý nguồn nước, thời gian qua, việc vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Nhiều công trình đầu mối như hồ chứa, trạm bơm cũng bị hư hỏng, xuống cấp do không được tu bổ thường xuyên, nhất là các công trình do địa phương quản lý. Thực tế trên dẫn đến tình trạng nhiều công trình không còn khả năng phục vụ tưới tiêu hoặc người dân tự ý thay đổi mục đích sử dụng.

Cùng với đó, tình trạng lấn chiếm lòng hồ do người dân tự ý canh tác và định cư đã gây tác động xấu tới việc trữ nước về mùa lũ. Nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế ngày càng cao, các công trình cấp nước sinh hoạt cũng như phục vụ các KCN ngày càng được đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều nhà máy có công suất hạn chế, lượng nước thất thoát tương đối cao, dẫn đến việc lãng phí nguồn nước. Các điểm khai thác nước phục vụ khai thác khoáng sản còn hoạt động tự phát, gây ra tình trạng khó điều tiết nguồn nước và xả nước thải gây ô nhiễm môi trường…

Tăng cường kiểm tra, quản lý

Trước thực tế trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kế hoạch kiểm tra tình hình hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh năm 2017, ngày 20/6, Sở đã tiến hành kiểm tra đối với 25 cơ sở tại TX Cửa Lò. Qua đó, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với 4 cơ sở.

Thông qua đợt kiểm tra, các cơ sở đã được truyền đạt các nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ sở khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác, sử dụng nước cũng như cấp phép xả nước thải vào nguồn nước.

Cũng liên quan đến việc quản lý tài nguyên nước, ngày 6/9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4077/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Nghệ An đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035. Mục tiêu đặt ra là quản lý, phân bổ nguồn nước đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa các ngành, tổ chức, cá nhân sử dụng nước, cấp đủ cho các ngành kinh tế, ưu tiên đảm bảo 100% nước cấp cho sinh hoạt; bảo vệ tài nguyên nước không bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra nhằm đảm bảo an ninh lâu dài về tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH.

Riêng đối với UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn, cần tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn mình quản lý; đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện quy hoạch, góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước gắn với các chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Quy hoạch cũng đề ra quy định, đối với các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến nguồn nước, phải thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật và theo các nội dung của quy hoạch, như lập hồ sơ đề nghị cấp phép trong khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, nộp phí bảo vệ môi trường, phí khai thác tài nguyên…

Cùng với đó, chú trọng tới việc đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ trong quá trình sản xuất để sử dụng tiết kiệm nguồn nước, cũng như xử lý nước thải đạt quy chuẩn hiện hành. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xử lý nước thải, bảo vệ tài nguyên nước.

Để giải quyết “bài toán” suy giảm về số lượng lẫn chất lượng tài nguyên nước trên địa bàn, thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành tỉnh nhà và chính quyền địa phương, bản thân mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nguồn nước cũng cần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước để không chỉ đảm bảo nhu cầu sinh hoạt mà còn phục vụ sự phát triển KT-XH bền vững của địa phương.

.

Hồng Hạnh

.