Bài 1: Chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp
(Congannghean.vn)-Nhất quán chủ trương, đường lối "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân" theo Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX, những năm qua, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày một tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quê hương. Với quan điểm xuyên suốt xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, tuy nhiên, để tổ chức Đảng trong lĩnh vực này trở thành vai trò hạt nhân lãnh đạo còn nhiều vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ.
Ông Hoàng Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên chia sẻ về quá trình thực hiện Đề án 5155 của Tỉnh ủy với phóng viên |
Bài 2: Nỗ lực của cấp ủy, địa phương
Trong điều kiện hiện nay, công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực và vai trò của tổ chức cơ sở Đảng trong việc hỗ trợ sự phát triển của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp cũng như giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng cho đảng viên và người lao động trong giai đoạn mới. Ngày 8/2/2014, Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Đề án 5155 về “Phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014 - 2020”. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong nhiệm vụ phát triển các tổ chức cơ sở Đảng ở doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực.
Hưng Nguyên được xem là địa phương nằm trong vùng “vệ tinh” của TP Vinh, nơi có những thuận lợi trong phát triển kinh tế trên lĩnh vực dịch vụ - thương mại và sản xuất công nghiệp. Mặc dù là huyện chiêm trũng, nhưng trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp theo quy hoạch nên quỹ đất nông nghiệp trên toàn huyện ngày một thu hẹp. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 được huyện xác định, tập trung công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đất đai; chú trọng đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Theo ông Hoàng Văn Phi, Bí thư Huyện ủy, huyện đã xác định phải tập trung mọi nguồn lực để tạo bước đột phá, nhất là trong cơ cấu kinh tế, xác định doanh nghiệp tư nhân là nguồn lực quyết định tạo động lực cho phát triển chung của địa phương. Do đó, những năm qua, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã có những đóng góp đáng kể cho địa phương. Thực hiện Đề án 5155 của Tỉnh ủy, phát huy truyền thống Đảng bộ 15 năm liền được Tỉnh ủy công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo các Đảng bộ cơ sở và phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát triển Đảng ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Mục tiêu đề án 5155 nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát triển tổ chức Đảng đối với loại hình này đang còn gặp khó khăn, xuất phát từ chính các doanh nghiệp và cả người lao động có nguyện vọng trở thành đảng viên. Ngay như tại Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP, với tổng diện tích hơn 750 ha, trong đó khoảng 350 ha quy hoạch công nghiệp trên địa bàn huyện và TP Vinh. Sau hơn 2 năm triển khai theo cam kết đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Singarore, đến nay đang trong giai đoạn hoàn chỉnh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp nên toàn bộ số chuyên gia, kỹ sư, công nhân viên đến đây đang tập trung mọi điều kiện để hoàn chỉnh mặt bằng và hạ tầng, vì vậy, các tổ chức Đảng và đoàn thể chưa thể đi vào ổn định. Do đó, về lâu dài, sau khi dự án chính thức đi vào hoạt động, khai thác hiệu quả các tổ hợp và các nhà máy thì cấp ủy, chính quyền sẽ tập trung đôn đốc phía doanh nghiệp và cơ quan liên quan sớm thành lập và phát triển tổ chức Đảng.
Còn đối với các tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn, nhìn chung sau khi được thành lập đã kịp thời xây dựng được quy chế hoạt động, duy trì các chế độ sinh hoạt, tạo điều kiện cho đảng viên ở doanh nghiệp tham gia góp ý trong quá trình triển khai nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Trong khi đó, tại TP Vinh, cùng với huyện Quỳ Hợp là 2 địa phương được Tỉnh ủy chọn làm điểm chỉ đạo và quá trình triển khai thực hiện bài bản, từ việc ban hành văn bản, thành lập ban chỉ đạo đến giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Đảng bộ phụ trách địa bàn trực tiếp chỉ đạo các Đảng ủy phường, xã, tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên thực hiện Đề án.
Trên địa bàn thành phố, số lượng doanh nghiệp khá lớn, có trên 3.400 doanh nghiệp. Đảng bộ có 100 tổ chức cơ sở Đảng với trên 23.000 đảng viên, 23 chi bộ công ty cổ phần, công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân có tổ chức cơ sở Đảng. Đại diện Ban Tổ chức Thành ủy Vinh cho biết: Thực hiện Đề án 5155, đến nay, thành phố đã có 11/23 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, kết nạp được 28 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó có 2 chủ doanh nghiệp. Cùng với đó, đã thành lập được 52 tổ chức Công đoàn, 3 tổ chức Đoàn thanh niên trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại huyện Nghi Lộc, nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, nơi tập trung các khu chức năng trong khu kinh tế và khu công nghiệp, trong nhiều năm qua, ngoài các doanh nghiệp nằm trong khu kinh tế và khu công nghiệp, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào địa bàn. Trong khi tại Khu kinh tế Đông Nam, các doanh nghiệp có đông lao động tập trung thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần ít lao động lại thuộc huyện quản lý. Thực tế này đã tác động không nhỏ đến công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nhiệp tư nhân trên địa bàn huyện.
Những năm gần đây, quán triệt thực hiện Đề án 5155 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung một số giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là các chi bộ, Đảng bộ ở trong các doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, trước khi thực hiện đề án của Tỉnh ủy, ngày 1/10/2012, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Đề án số 05-ĐA/HU về việc "Xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2017". Sau khi Đề án của Tỉnh ủy được triển khai, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch để thực hiện, nhất là Kế hoạch 141 ngày 14/7/2014 về việc “Tuyên truyền, quán triệt Đề án tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị có liên quan tiến hành triển khai thực hiện Đề án 5155”, Kế hoạch 137 ngày 13/5/2014 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc thực hiện Đề án 5155.
Trong các kế hoạch, huyện đã xác định phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể, thành lập thêm từ 3 - 5 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân; các chi bộ doanh nghiệp tư nhân hàng năm đều kết nạp được đảng viên; 100% chi bộ trong các doanh nghiệp tư nhân đều xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 100% cán bộ chủ chốt của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị…
Để thực hiện nhiệm vụ trên, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho từng Đảng bộ, chi bộ trực thuộc; đồng thời hướng dẫn cụ thể trong việc tạo nguồn, phát hiện và lựa chọn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú trong các doanh nghiệp để đề nghị xem xét, kết nạp.
Cùng với đó, huyện đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức như: Tuyên truyền qua hội nghị báo cáo viên, qua hệ thống truyền thanh các cấp, qua sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ và từ sinh hoạt của Hội doanh nghiệp và các cuộc gặp mặt doanh nghiệp đầu năm. Thông qua công tác tuyên truyền đã chuyển tải các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Nhờ đó, nhiều chủ doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến thành lập, tổ chức các hoạt động của chi bộ ở các doanh nghiệp như: Quỹ tín dụng nhân dân ở các xã Nghi Hoa, Nghi Xuân, Phúc Thọ; Công ty TNHH TM&VT Bình Minh; Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Bãi Lữ; Hợp tác xã Đóng tàu Trung Kiên Nghi Thiết…
Kết quả, sau 5 năm thực hiện Đề án 05-ĐA/HU của Huyện ủy và 3 năm triển khai thực hiện Đề án 5155 của Tỉnh ủy, huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo thành lập thêm được 5 chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, trong đó có 1 chi bộ trực thuộc Huyện uỷ, 4 chi bộ trực thuộc Đảng bộ các xã. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã thành lập thêm được 3 tổ chức công đoàn, 2 chi đoàn và 1 hội cựu chiến binh trong các doanh nghiệp tư nhân.
“Sau khi thành lập, các tổ chức quần chúng như công đoàn, chi đoàn, chi hội đã xây dựng được quy chế hoạt động, tổ chức các hoạt động của đoàn thể, phát huy vai trò trong doanh nghiệp; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động trong doanh nghiệp; gắn kết hoạt động các đoàn thể với việc thúc đẩy nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên và người lao động”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.
Có thể thấy, việc thành lập tổ chức Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp là yêu cầu cho sự phát triển của chính các doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động. Chính vì vậy, so với các địa phương Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP Vinh, trên địa bàn tỉnh công tác phát triển Đảng ở doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khăn, do đó kết quả còn thấp so với yêu cầu.
Mục tiêu Đề án 5155 ban hành, phấn đấu mỗi năm, toàn tỉnh thành lập trên 50 tổ chức Đảng; bình quân mỗi huyện, thành, thị ủy thành lập ít nhất 1 tổ chức Đảng và các địa phương có nhiều doanh nghiệp như TP Vinh, các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc phải thành lập được từ 3 - 5 tổ chức Đảng. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã kết nạp được 491 quần chúng vào Đảng; thành lập được 22 tổ chức Đảng; thành lập 131 công đoàn cơ sở, nâng tổng số công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên 456 công đoàn; thành lập được 16 tổ chức Đoàn, nâng tổng số tổ chức Đoàn lên 79 tổ chức. Nhìn chung, các doanh nghiệp có tổ chức Đảng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách cho tỉnh và sự phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức Đảng mói thành lập có xu hướng phát triển tốt.
Ông Dương Quốc Tuấn, Trưởng phòng Đảng viên, Ban tổ chức Tỉnh ủy, thành viên Ban chỉ đạo Đề án cho biết: “Đề án 5155 ra đời là chủ trương quan trọng, cần thiết nhằm tăng cường và củng cố sự lãnh đạo, định hướng của Đảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp với lợi ích người lao động, lợi ích cộng đồng, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 98/2014 quy định việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Vì vậy, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp trên nơi doanh nghiệp đóng chân có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các điều kiện để thành lập theo quy định; đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thành lập các tổ chức trên để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ổn định”.
(Còn nữa)