(Congannghean.vn)-Thời gian qua, hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn Nghệ An đã và đang phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo thành mạng lưới y tế xã hội rộng khắp, phát huy hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) của nhân dân, giúp giảm tải cho các bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp không đủ điều kiện và vi phạm các quy định về hành nghề y, dược tư nhân.
Đoàn kiểm tra liên nghành kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP Vinh (Nguồn: Internet) |
Bộc lộ nhiều bất cập
Theo thống kê của Sở Y tế, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2.071 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động. Trong đó có 278 cơ sở KCB; 41 phòng quản trị y học cổ truyền; 1.752 cơ sở hành nghề dược. Bên cạnh những cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập hoạt động tích cực, hiệu quả, vẫn còn khá nhiều cơ sở vi phạm quy định pháp luật cần được chấn chỉnh, khắc phục.
Tình trạng phổ biến là cơ sở hành nghề y hoạt động khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép. Trên địa bàn các huyện, một số người làm dịch vụ KCB hoặc làm dịch vụ y tế không có giấy phép. Những người này có chuyên môn nhất định về ngành y nhưng không treo biển mở phòng khám mà khi có người gọi vẫn KCB hoặc tiêm thuốc, truyền dịch...
Một vi phạm đang diễn ra ở các cơ sở y, dược ngoài công lập là vừa khám bệnh, vừa bán thuốc. Việc kiểm soát giá dịch vụ KCB, giá thuốc tại các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập rất khó khăn. Một vài cá nhân đứng đầu các cơ sở y tế tư nhân, đồng thời cũng là cán bộ tại các cơ sở y tế công lập chưa làm tròn trách nhiệm của mình khi tiến hành KCB tại phòng khám và nhà riêng trong giờ hành chính; vẫn còn tình trạng y, bác sĩ tại các cơ sở y tế tư nhân hành nghề không đúng chuyên môn, không đặt sức khỏe người bệnh lên hàng đầu mà chỉ chạy theo lợi nhuận.
Những vi phạm phổ biến của hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn TP Vinh là tình trạng hoạt động không đúng với nội dung trong giấy phép được cấp; không công khai tên người hành nghề, thời gian làm việc; chưa niêm yết giá dịch vụ; sử dụng người hành nghề không đủ trình độ chuyên môn và không có chứng chỉ hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép; hoạt động không đúng địa điểm ghi trong giấy phép; một số phòng khám không báo cáo hoạt động theo quy định…
Khó khăn trong công tác quản lý
Mặc dù đạt được những hiệu quả bước đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân, song cũng phải thấy một thực tế là các cơ sở y tế ngoài công lập còn nhỏ về quy mô, chủ yếu mới chỉ cung cấp được một số dịch vụ KCB thông thường. Bởi vậy, vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của các phòng khám là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng một số cơ sở hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép.
Theo thống kê của Sở Y tế, 6 tháng đầu năm 2017, Đoàn thanh tra về hành nghề y, dược ngoài công lập của Sở Y tế đã kiểm tra 462 cơ sở KCB tư nhân. Trong đó, có 263 sơ sở không có giấy phép hành nghề theo quy định; 96 cơ sở KCB vi phạm các quy chế chuyên môn, kỹ thuật như: KCB vượt quá danh mục đăng ký; sổ sách, nhật ký theo dõi bệnh nhân hàng ngày chưa được quan tâm. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở 29 cơ sở, đình chỉ hành nghề 30 cơ sở và xử phạt hành chính 42 cơ sở vi phạm với số tiền gần 200 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, dược sĩ Nguyễn Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế cho biết: Hiện nay, công tác quản lý các phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh chưa thật sự chặt chẽ, lực lượng thanh tra mỏng nên để kiểm tra được hết các phòng khám là điều rất khó khăn. Bên cạnh đó, hình thức tranh, kiểm tra vẫn còn những điểm chưa phù hợp. Nếu như việc kiểm tra được tiến hành liên tục thì sẽ phát hiện nhiều sai phạm hơn. Một thực tế khác là hành lang pháp lý, các quy định, chế tài của các văn bản pháp luật còn chưa hoàn thiện, xuất hiện nhiều lỗ hổng và kẽ hở, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.
Đặc biệt là hiện nay, chúng tôi vẫn chưa quản lý được giá dịch vụ niêm yết trong các phòng khám tư nhân nên tình trạng lạm thu vẫn còn phổ biến ở các đơn vị này. Không những vậy, việc một số phòng khám tự ý KCB, làm các xét nghiệm… ngoài danh mục kỹ thuật cho phép cũng là một hạn chế còn tồn tại cần phải khắc phục. Do vậy, để quản lý tốt ngành nghề y, dược tư nhân, ngành y tế cần nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hành nghề, đặc biệt đối với tuyến huyện và tuyến xã. Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông giáo dục pháp luật đến cộng đồng và cập nhật kiến thức chuyên môn, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người hành nghề. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra; sự phối hợp liên ngành và nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương.
Đối với người dân, cần chọn cơ sở có uy tín để KCB, tránh những cơ sở có biểu hiện không đầy đủ các thông tin như không có giấy phép hoạt động, không có người phụ trách chuyên môn kỹ thuật; trong phòng khám không công khai giấy phép hoạt động, danh sách đăng ký hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật đã được Sở Y tế phê duyệt.