(Congannghean.vn)-Được đầu tư gần 2 tỉ đồng để xây dựng hệ thống kênh mương nhằm mục đích cung cấp nước cho vùng làm muối xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thế nhưng, ngay từ khi triển khai thi công, dự án đã bộc lộ nhiều bất cập khiến người dân hết sức bức xúc, nghi ngại về chất lượng công trình.
Dự án xây dựng kênh cấp nước làm muối từ thôn Vĩnh Long đến thôn Thanh Lộc được khởi công từ tháng 7/2017, với tổng mức đầu tư gần 2 tỉ đồng, do UBND xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư, nguồn vốn từ dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo. Đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng Thạch Bàn (trụ sở tại 245 đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh).
Dù đang thi công nhưng mái ta-luy, vải địa đã bị sạt lở làm lộ ra lớp đất không chuẩn theo thiết kế |
Trước đó, nhận được phản ánh về việc công trình đang thi công có những bất cập, chúng tôi đã có mặt tại chân công trình, tận mắt chứng kiến những vấn đề “bất thường” mà người dân phản ánh. Theo quan sát của chúng tôi, những phản ánh của người dân là có cơ sở.
Tại hiện trường thi công, công tác an toàn lao động được nhà thầu thực hiện một cách sơ sài. Cả tuyến dự án có chiều dài 400 m nhưng không hề có biển cảnh báo công trường đang thi công, biển cảnh báo hạn chế tốc độ đối với các loại phương tiện. Các vật liệu phục vụ công trình được vứt bừa bãi. Vào thời điểm chúng tôi có mặt, có một nhóm công nhân đang đổ đáy mương nhưng trên công trường không có kỹ thuật của đơn vị giám sát. Không bảng cấp phối, không giám sát, các công nhân “tự biên tự diễn”. Tuy nhiên, điều đáng nghi ngại nhất là phần đáy mương được đổ bê tông có trải bạt trong nước.
Theo tìm hiểu được biết, mái ta-luy theo thiết kế được đầm nén chặt đất K90, dày trung bình 20 cm nhưng tại vị trí đang thi công, nhiều nơi trên dọc tuyến kênh có dấu hiệu bị sạt mái. Đơn vị thi công tận dụng đất tại chỗ lẫn với tạp chất cỏ cây, mặc dù mái kênh đang lót vải địa và cấu kiện.
Trước những bất cập trên, chúng tôi đã trao đổi với ông Trương Văn Vấn, cán bộ kỹ thuật đơn vị thi công. Ông Vấn cho biết: “Công trình này chủ yếu sử dụng đất tại chỗ, đất chở về chỉ phụ khoảng - 10 cm. Ngoài ép mái để cho đạt K thì mưa trôi xuống vớt lên thành bùn. Còn cát lót đệm đáy được lấy từ Thạch Hải là xã xin vận chuyển về để san mặt bằng trước trụ sở UBND nên họ chuyển lại cho một số khối lượng...”.
Mặc dù, công trình có nhiều bất cập nhưng ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn vẫn cho rằng, đơn vị thi công không sai. Còn việc tại sao không có giám sát hay kỹ thuật tại công trường thì ông Hải giải thích rằng, đơn vị giám sát không phải lúc nào cũng phải có mặt, chỉ lúc nào nghiệm thu từng công đoạn mới cần. Tuy nhiên, khi hỏi các thông tin về dự án như tổng số vốn, đơn vị thi công cũng như hồ sơ dự án thì ông Hải trả lời không nắm đươc. Khi chúng tôi yêu cầu xem hồ sơ thì vị Chủ tịch UBND xã cho hay, công trình đang thi công chưa xong nên báo chí không được xem hồ sơ...
Còn ông Dương Đình Phong, Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Thạch Bàn là đơn vị thi công công trình phủ nhận hoàn toàn việc thi công kém chất lượng. Thắc mắc việc mương đang ngập nước nhưng công nhân vẫn cho đổ bê tông thì vị Giám đốc giải thích rằng, do đây là đáy cát chảy nên cho trải bạt lúc nào nước rình ra mình treo nước đổ như vậy đảm bảo chất lượng, vì đây là dự án cho xã nghèo nên thiết kế tiết kiệm. Việc đổ bê tông đáy là đổ lấn nước chứ không phải đổ giữa nước, bê tông đổ chừng nào thì nước sẽ theo đó chảy ra nên vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Còn việc bị các cơ quan chức năng kiểm tra và đình chỉ hai lần về chất lượng công trình thì ông Phong cho rằng, đình chỉ là quyền của họ, còn việc khắc phục là của đơn vị thi công, đình chỉ thi công là chuyện bình thường.
Từ những thực tế trên, việc người dân nghi ngại về chất lượng công trình là có cơ sở. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra về chất lượng thi công của công trình, giúp người dân được hưởng lợi từ một công trình vì người nghèo đúng nghĩa.