Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201708/de-cong-nghiep-che-bien-thuc-su-chuyen-minh-752666/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201708/de-cong-nghiep-che-bien-thuc-su-chuyen-minh-752666/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Để công nghiệp chế biến thực sự 'chuyển mình' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 16/08/2017, 08:38 [GMT+7]

Để công nghiệp chế biến thực sự 'chuyển mình'

(Congannghean.vn)-Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 ở Nghệ An tăng trưởng 8,37%, trong đó, công nghiệp chế biến tăng 7,77%. Đó là nỗ lực chung của rất nhiều nhà máy và người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến của tỉnh vẫn đang đứng trước muôn vàn thách thức.

Sự ổn định của nguồn nguyên liệu nông sản là yếu tố quan trọng giúp công nghiệp chế biến phát triển
Sự ổn định của nguồn nguyên liệu nông sản là yếu tố quan trọng giúp công nghiệp chế biến phát triển

Từ những con số “biết nói”

Nằm trong tốp sản phẩm có tăng trưởng cao nhất 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh là sữa tươi, đạt 83,31 triệu lít, tăng 8,85%. Điều này khẳng định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa, gắn với chế biến của  Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH (TH True milk) ở miền Tây của Nghệ An. Một lĩnh vực chế biến khác có tác động thường xuyên với thị trường là các sản phẩm bia.

Theo thống kê của 3 nhà máy bia trên địa bàn Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2017, các đơn vị sản xuất được gần 96 triệu lít bia các loại. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, sản lượng sản xuất chỉ đạt 96%, tuy nhiên, sản phẩm tiêu thụ lại tăng trên 30%. Thống kê sơ bộ, mỗi năm, thị trường Nghệ An tiêu thụ 110 triệu lít bia các loại, trong đó, sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh mới chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần.

Công nghiệp chế biến gỗ cũng có những biến động thường xuyên trong thời gian qua. Với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh cũng đã từng bước thay đổi, đáp ứng một phần nhu cầu thị trường trong tỉnh và vươn ra nhiều địa phương trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu từ chế biến gỗ toàn tỉnh tăng mạnh: Năm 2010 chỉ 30 triệu USD, năm 2015 đã xuất được 115,9 triệu USD, chiếm tỉ trọng hơn 25% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Tuy nhiên, cơ cấu xuất khẩu chưa đi vào chiều sâu chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của gỗ rừng trồng, khi sản phẩm dăm gỗ (9 tháng đầu năm 2015) đã xuất được 58,1 triệu USD, chiếm tới 69,4%.

Ngoài ra, xã hội hóa nghề rừng đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng vạn hộ dân từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác lâm sản và các dịch vụ khác, đời sống của người làm rừng ngày càng được cải thiện, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Riêng về lĩnh vực sản xuất mía đường, theo báo cáo từ các công ty, vụ ép năm 2016 - 2017, diện tích mía là 20.123 ha, giảm 1.549 ha so với vụ ép năm 2015 - 2016, sản lượng đạt khoảng 1.057.800 tấn, giảm 54.768 tấn. Trong đó, nhiều công ty sản xuất mía đường đều giảm trên nhiều tiêu chí.

Cụ thể, ở vụ ép năm 2016 - 2017 so với vụ ép năm 2015 - 2016, Công ty Mía đường Sông Lam giảm diện tích vùng nguyên liệu từ 1.202 ha xuống còn 1.079 ha, Công ty Mía đường Nghệ An giảm từ 14.470 ha xuống 12.939 ha. Trong khi đó, diện tích theo quy hoạch vùng nguyên liệu số 151 của UBND tỉnh ngày 14/1/2014 là 30.600 ha đối với 3 đơn vị: Công ty Mía đường Sông Lam, Công ty Mía đường Sông Con, Công ty Mía đường Nghệ An. Tuy nhiên, tại vụ ép năm 2016 - 2017, tổng diện tích chỉ đạt 20.123 ha.

Trong thời gian qua, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy, hải sản đã ổn định trở lại
Trong thời gian qua, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy, hải sản đã ổn định trở lại

Nhiều khó khăn phía trước

Sự khó khăn của những nhà máy chế biến mía đường được lý giải bởi nhiều lý do. Theo đó, về cơ bản các công ty đã triển khai thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 151 của UBND tỉnh, nhưng do vùng quy hoạch mía nguyên liệu có quy mô rộng lớn, trải dài trên địa bàn nhiều đơn vị hành chính. Thực trạng trên dẫn đến việc triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất nguyên liệu mới chỉ dừng lại ở khâu công bố quy hoạch, chưa có sự chỉ đạo, giám sát kiểm tra và biện pháp xử lý để thực hiện.

Trước tình hình này, nhà máy đã có nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân gắn bó với cây mía như đầu tư, hỗ trợ cho các hộ mua máy làm đất, đầu tư thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến vào các vùng có diện tích tập trung; khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ cho vay vốn đối với các chi phí như: làm đất, giống, bảo vệ thực vật; hỗ trợ toàn bộ lãi suất tiền vay để sản xuất mía với điều kiện người sản xuất thực hiện đúng các cam kết, quy định của công ty về sản xuất mía nguyên liệu (2 triệu đồng/ha). Đối với hộ có từ 6 ha trở lên, công ty cho vay 100 triệu đồng, 3 ha trở lên cho vay 50 triệu đồng, 1 ha trở lên cho vay 10 triệu đồng.

Là một tỉnh có tiềm năng về tài nguyên rừng và đất rừng, Nghệ An có cả lợi thế về gỗ rừng tự nhiên và nguyên liệu gỗ rừng trồng đa dạng. Mặc dù có nguồn tài nguyên rừng phong phú, số lượng các doanh nghiệp chế biến gỗ tăng mạnh qua các năm, nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh cũng còn khá nhiều tồn tại. Đơn cử như các cơ sở băm dăm gỗ chiếm tỉ trọng cao hơn các ngành nghề khác, nhưng lại quá thiếu các cơ sở sử dụng dăm gỗ sản xuất ván sợi, giấy, ván dăm… Hầu như toàn bộ dăm sản xuất ra đều dùng cho xuất khẩu. Cơ cấu này rất dễ dẫn đến những bất cập trong việc thu mua nguyên liệu khi dăm gỗ có giá và thị trường dăm gỗ mở rộng, nhưng cũng rất dễ lãng phí đầu tư, lãng phí nhà xưởng, thiết bị khi thị trường dăm xuất khẩu thu hẹp, thậm chí có doanh nghiệp phá sản khi vốn đầu tư lớn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển rừng trồng nguyên liệu, với diện tích là 208.413,91 ha. Nhìn chung, các dự án đầu tư sau khi được quy hoạch vùng nguyên liệu đều tổ chức triển khai quy hoạch được duyệt, tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thủ tục thuê đất để thực hiện dự án.

Đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích làm xong thủ tục cho các dự án thuê đất là 17.833,84 ha, đạt 25,4% diện tích quy hoạch dự kiến thuê đất; đối với việc liên doanh liên kết về cơ bản các chủ dự án chưa có chính sách đầu tư cho các diện tích liên doanh liên kết để phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch. Các doanh nghiệp (Thanh Thành Đạt, Kiều Phương...) đã trồng được 11.619 ha rừng nguyên liệu trên diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất thuê.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch, các chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn: Đối với diện tích quy hoạch thuê đất lâm nghiệp để trồng rừng: Các chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục để lập hồ sơ thuê đất, nhưng tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng rất chậm, ảnh hưởng tới việc thực hiện quy hoạch được duyệt. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích đất có quyết định cho thuê đất là 9.695,5 ha/70.294,1 ha, đạt 13,8% diện tích quy hoạch đất thuê.

Riêng đối với lĩnh vực nông sản, công nghệ chế biến, dù đã thay đổi nhiều so với phương thức truyền thống nhưng việc thiếu quy chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm cũng khiến nhiều sản phẩm mất thị phần ngay trên “sân nhà”. Sự thiếu ổn định về nguyên liệu cộng với thị trường biến động khiến nhiều nông sản Việt vẫn loay hoay tìm chỗ ra để khẳng định niềm tin với người tiêu dùng.

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế, mỗi sản phẩm hàng hóa chế biến từ nguồn nông sản tại chỗ do địa phương sản xuất góp phần ổn định sản xuất và nâng lãi suất lên 300% so với việc bán nguyên liệu thô. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất như: Mặt bằng, nguồn vốn đầu tư và nhất là nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất…

Chính sách ưu đãi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã rất rõ ràng; sự hỗ trợ về sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu cũng đã được tập trung thực hiện ở nhiều địa phương. Nhưng song song với những thuận lợi trên, chính các nhà máy và người dân phải đồng thuận để cùng nhau mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng và năng suất. Bởi, khi công nghiệp chế biến gặp khó, không ai khác, câu chuyện “được mùa, mất giá”, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ còn tiếp diễn dài lâu.

.

Mai Hậu

.