(Congannghean.vn)-Hiện nay, tình hình hoạt động của các loại tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp đồng bộ, tích cực giữa 2 ngành Ngân hàng và Công an trên địa bàn tỉnh Nghệ An, công tác đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã đạt hiệu quả.
Sự phát triển của lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn đặt ra những thách thức với công tác đảm bảo an toàn, an ninh môi trường tài chính tiền tệ |
Nhận diện tội phạm liên quan đến tài chính, tiền tệ
Hiện nay, tại địa bàn tỉnh Nghệ An, mạng lưới ngành ngân hàng gồm có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An và 98 tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng cấp 1; 21 chi nhánh hoạt động phụ thuộc Chi nhánh cấp 1 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Nghệ An tại các huyện, thị; 211 phòng giao dịch, 248 ATM, 980 POS đáp ứng nhu cầu tiền gửi, tiền vay và thanh toán, chuyển tiền, rút tiền trong toàn tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 1 chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi khu vực Bắc Trung Bộ, hoạt động vì lợi ích của người gửi tiền, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, các tội phạm liên quan đến tài chính, tiền tệ thường gồm: Tội phạm công nghệ cao, tội phạm tiền giả, tội phạm lừa đảo qua mạng, cướp ngân hàng có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thời gian qua, hoạt động ngân hàng có nhiều rủi ro như những rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ, gửi tiền, mất tiền trong kho quỹ… Riêng các quy tắc về hoạt động quản lý gửi tiết kiệm, hiện chúng ta đã quy định đầy đủ; các quy định chi tiết hết sức chặt chẽ và yêu cầu các tổ chức tín dụng ban hành công khai. Nếu tuân thủ đúng thì những rủi ro trong phát sinh tiền gửi tiết kiệm sẽ hạn chế. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp khách hàng đã ký sẵn vào chứng từ do cán bộ đưa ra và cán bộ đã sử dụng chứng từ này để rút tiền; một số cán bộ lấy trộm mật khẩu của lãnh đạo; giả mạo chữ ký khách hàng.
Một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực thanh toán chủ yếu như sau: Tấn công vào hệ thống máy tính để đe doạ tống tiền; đối với các ngân hàng, hacker tấn công vào các bộ phận; mã độ tấn công không chỉ ở các nước tân tiến. Năm 2016, trên thế giới ghi nhận 153.300 vụ tấn công mạng.
Rủi ro trong thanh toán thẻ cũng thường xảy ra trong một số vụ việc. Trong đó, đáng chú ý, do công tác tuyên truyền chưa thấu đáo nên khách hàng sử dụng chưa bảo mật; tội phạm thẻ hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Để phòng, chống tội phạm thẻ, đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán, cần thực hiện tốt các quy định; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng. Tăng cường công tác canh gác bảo vệ, đảm bảo an toàn tài sản tại nơi giao dịch tiền mặt; xây dựng phương án bảo vệ, chống đột nhập, cướp tiền, tài sản dưới mọi hình thức, trong đó thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng xử lý rủi ro cho nhân viên. Hàng năm, lực lượng Công an toàn quốc triệt xóa hơn 2.000 băng cướp; có những vụ đối tượng gây ra hàng nghìn vụ từ Bắc vào Nam; có băng nhóm hơn 10 đối tượng gây ra cả chục vụ.
An toàn trong giao dịch ngân hàng là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin của khách hàng |
Phối hợp đảm bảo an toàn hoạt động của ngành Ngân hàng
Hàng năm, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai và thực hiện các nội dung Thông tư liên bộ số 14 về đảm bảo ANTT, an toàn tài sản Nhà nước do ngành Ngân hàng quản lý và bảo quản. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại Nghệ An đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tín dụng xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo ANTT, an toàn tài sản tại đơn vị mình.
Trên cơ sở đó, các tổ chức, chi nhánh tín dụng triển khai đến tận cán bộ, công nhân viên về nội dung, biện pháp thực hiện quy chế phối hợp thực hiện Thông tư 14. 2 đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong bảo vệ mục tiêu ngân hàng, hỗ trợ bảo vệ nơi giao dịch, kho tiền, hàng đặc biệt trên đường vận chuyển. Theo đó, các đơn vị ngành ngân hàng đã tích cực tham gia cụm an ninh khu vực do ngành Công an tổ chức để tăng cường công tác an ninh, bảo vệ ANTT khu vực và tại cơ quan, đơn vị.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế xâm phạm tài sản Nhà nước do ngành Ngân hàng quản lý, Công an Nghệ An đã xây dựng chương trình, nội dung phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh tổ chức tín dụng; đồng thời, triển khai 5 nội dung: “Xây dựng cụm tuyến an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu và các cuộc vận động thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Tại một số huyện, thị, 2 ngành cũng đã xây dựng các cụm phối hợp phòng, chống tội phạm theo khu vực.
Công an Nghệ An cũng thường xuyên trao đổi thông tin trong đấu tranh phòng, chống tiền giả, tổ chức giám định tiền giả, tiền nghi giả là tang vật của các vụ án, phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng. Tiếp tục phổ biến “Tiền Việt Nam và cách nhận biết” để nhân dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhận biết, không thu nhầm tiền giả và thông báo kịp thời cho cơ quan Công an các cấp về những đối tượng nghi vấn liên quan đến các hoạt động vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ tiền giả. Kết quả, trong 2 năm 2015 và 2016, ngành Ngân hàng Nghệ An đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ 1.510 tờ tiền giả (gần 270.000.000 đồng), chủ yếu là mệnh giá 200.000 đồng. Lực lượng Công an cũng đã phát hiện, khởi tố 6 vụ, bắt 6 đối tượng về hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
Liên quan đến sai phạm của cán bộ ngân hàng, Công an Nghệ An cũng đã phát hiện, đấu tranh và xử lý một số vụ việc như “Vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh Vinh, khởi tố 2 bị can Nguyễn Thị Lam và Đặng Đình Hồng; vụ việc tại Ngân hàng TMCP Công thương bắc Nghệ An, khởi tố Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng Giao dịch Diễn Châu về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; đồng thời, xác minh, điều tra một số thông tin, vụ việc liên quan đến hoạt động một số ngân hàng trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Công an Nghệ An và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp trên nhiều nội dung để tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh trên địa bàn. Hiện nay, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm tập trung vào lĩnh vực này. Trong khi đó, trên thực tế, nội dung phối hợp của Thông tư 14 đã có nhiều điểm không còn phù hợp, vì thế, yêu cầu phải ban hành văn bản mới về phối hợp hoạt động mới giữa 2 đơn vị. Đây là điều kiện quan trọng để kịp thời xử lý nhiều vấn đề phát sinh, tạo môi trường kinh doanh tiền tệ lành mạnh.