Kinh tế xã hội
Đánh trúng đầu nậu, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo: Đánh trúng đầu nậu, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng buôn lậu trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phân tích: Điểm mấu chốt mà buôn lậu tồn tại được là các lực lượng chức năng ra quân thì buôn lậu biết hết, nhưng buôn lậu làm gì thì mình không nắm được. Bên cạnh đó là lợi nhuận từ buôn lậu còn cao, nên việc chống không đơn giản.
“Lấy kinh tế đánh kinh tế, không nên đấu giá đường, vì buôn lậu sẽ mua để lấy hoá đơn quay vòng; mở rộng cho nhiều lực lượng khác được bắt giữ buôn lậu, tăng tiền thưởng lên 50% giá trị tài sản bắt được và cơ chế khen thưởng nhanh chóng”, Phó Chủ tịch An Giang kiến nghị.
Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Bùi Đức Hạnh cho biết, thời gian qua tình hình phạm tội ở biên giới có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn cả về quy mô, tính chất. Tuyến biên giới Việt-Trung nổi lên hoạt động mua bán trái phép qua biên giới các loại ma túy, tiền giả, pháo nổ, quần áo may sẵn... Tuyến biên giới Việt-Lào thì có buôn lậu gỗ, rượu ngoại, ma túy với trọng điểm ở các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum. Tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia có buôn lậu và vận chuyển trái phép tiền Việt, ngoại tệ, vàng, thuốc lá, đường cát. Địa bàn trọng điểm là: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Long An, An Giang...
Ngoài ra, hoạt động mua bán, khai thác, vận chuyển cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, gây sạt lở bờ, kè, ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống của người dân. "Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gắn trách nhiệm người chỉ huy trong chỉ đạo, điều hành chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nếu để tạo thành điểm nóng thì chỉ huy phải chịu trách nhiệm", ông Bùi Đức Hạnh khẳng định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết: Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của các cơ quan thuế là tăng cường công tác thanh tra chống chuyển giá, nhất là đối với các doanh nghiệp có chi phí dịch vụ lớn, các công ty liên kết để xem xét yếu tố hợp lý các khoản chi phí (nhất là các khoản chi phí dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ...). Trong đó, tập trung ở địa bàn lớn: TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đồng thời, tăng cường quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh qua mạng internet: Thương mại điện tử, facebook, zalo… Đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương một số kết quả nổi bật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng và nhân dân trong cả nước trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Đó là, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến kinh tế-xã hội, an ninh trật tự, sức khoẻ nhân dân, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt. Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, công tác tuyên truyền mới tập trung phản ánh hành vi vi phạm, chưa chú trọng biểu dương những việc làm tốt, chưa phát huy được vai trò giám sát, phát hiện và tố giác tội phạm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp trong nước còn thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, sản phẩm do mình sản xuất, cung ứng; chưa quan tâm đến lợi ích, sức khoẻ người tiêu dùng; chưa chủ động hợp tác với cơ quan chức năng trong bảo vệ thương hiệu sản phẩm.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong chống buôn lậu.
“Cùng với chống buôn lậu, gian lận và hàng giả, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện có kết quả các giải pháp đề ra về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới, tạo việc làm, thực hiện tốt chính sách việc làm, an sinh xã hội, phong trào an ninh Tổ quốc, văn hoá-xã hội để xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, phát triển, vận động người dân không buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm, kiểm tra công vụ, thực hiện dân chủ, công khai trong công tác cán bộ, nhất là trong khâu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… Có quy định cụ thể về điều chuyển, thay thế những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phong phú với việc mở các chuyên mục, chuyên trang trên các cơ quan truyền thông. Các lực lượng chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, đúng pháp luật về tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu cho cơ quan báo chí công khai tuyên truyền.
“Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, đánh trúng, đánh đúng đầu nậu, xử lý nghiêm minh, tạo sức răn đe phòng ngừa vi phạm. Xác lập các chuyên án trinh sát, làm rõ các tổ chức tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, đánh đúng đầu nậu, đầu sỏ, đủ sức răn đe và phòng ngừa đối với công tác này”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát các vụ việc nổi cộm, được dư luận chú ý nhưng chỉ xử phạt hành chính để xem xét lại, nếu thấy dấu hiệu tội phạm thì chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị cho các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cũng như xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ vi phạm. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng thật sự hiệu quả.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các lực lượng chuyên trách cần quyết liệt điều tra, làm rõ các vụ việc, phát hiện sớm các đường dây vận chuyển, phân tích cho được những thủ đoạn của buôn lậu, xem xét có sơ hở gì trong các văn bản quy phạm để sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh như việc chuyển giá của các công ty để đề ra giải pháp, buôn bán hoá đơn VAT… từ đó, có cơ sở pháp lý để ngăn ngừa, giải quyết triệt để và căn cơ đối với các vụ việc này.
Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cần thực hiện tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc các chỉ đạo của Thủ tướng, BCĐ 389 quốc gia, báo cáo cụ thể những việc chưa làm được, nguyên nhân, lý do, đề xuất biện pháp xử lý.
Thường xuyên nghiên cứu, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu và trao đổi với các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp về những tồn tại, khó khăn trong công tác này. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, xây dựng, triển khai thực hiện một số chuyên đề, kế hoạch về công tác chống buôn lậu theo nhóm mặt hàng, địa bàn trọng điểm.
Nguồn: Chinhphu.vn