Kinh tế xã hội

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2

14:49, 19/07/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bão số 2 (tên quốc tế là Talas) đổ bộ vào đất liền Nghệ An vào 1 giờ ngày 17/7/2017, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hiện, các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang đang tập trung khắc phục hậu quả, nhanh chóng hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Lực lượng Công an khắc phục hậu quả bão số 2 tại TP Vinh
Lực lượng Công an khắc phục hậu quả bão số 2 tại TP Vinh

Những thiệt hại nặng nề

Là một trong những địa phương nằm trong vùng tâm bão đi qua, sau 1 ngày đêm quần thảo, cơn bão số 2 đã để lại nhiều thiệt hại về người và của: 2 người chết, 4 người bị thương, hiện đang mất tích 6 người.

Cụ thể, vào khoảng 2 giờ ngày 17/7/2017, tàu vận tải chở than mang số hiệu VTB 26 báo nạn tại khu vực neo đậu chờ vào cảng gần khu vực Đảo Ngư, trên tàu có 13 thuyền viên. Do trời tối cùng với mưa to, gió giật mạnh, sóng cao, đồng thời mất liên lạc với tàu VTB 26 nên công việc cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các cơ quan cứu hộ, cứu nạn tỉnh Nghệ An đã cứu vớt được 9 người, trong đó có 2 người được xác định đã tử vong, 4 người đang mất tích.

Ngoài ra, tại một số địa phương cũng bị thiệt hại về người. Vào khoảng 0 giờ 30 phút ngày 17/7, tại phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai, bà Hoàng Thị Mai (SN 1969) ở nhà một mình và bị mái tôn rơi xuống đè lên người làm bà Mai chết tại chỗ. Tại phường Nghi Hải, TX Cửa Lò bị sập 1 nhà dân, bị thương 1 người. Tại huyện Yên Thành có 3 người bị thương trong khi sửa chữa nhà cửa sau bão.

Thống kê ban đầu cho thấy, đã có nhiều công trình, diện tích hoa màu bị ảnh hưởng do cơn bão số 2. Theo đó, có 23 công trình trụ sở, trường học, trạm y tế và các công trình công cộng bị hư hỏng; 20 ngôi nhà bị sập; 3.382 ngôi nhà bị tốc mái; 1 tàu chở dầu neo đậu tại bờ biển TX Cửa Lò bị chìm; 2.015 cột điện và 78.065 cây xanh bị gãy, đổ. Về nông nghiệp, có 6.618 ha hoa màu; 5.405 ha lúa bị ngập úng; 62,89 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước; 6.910 m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng, 1 cầu treo bị gãy. Ngoài ra, 11 hộ tại huyện Tương Dương có nguy cơ sạt lở đã được di dời đến nơi an toàn.

Tại TP Vinh, khi vừa xâm nhập vào đất liền, cơn bão quần thảo liên tục trong 3 giờ liền đã gây mất điện trên diện rộng, nhiều cây xanh bị gió làm bật gốc, chắn ngang đường, gây ách tắc giao thông. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu, Nghệ An là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơ bão số 2.

Lãnh đạo các cấp thăm hỏi nạn nhân trong vụ chìm tàu VTB 26
Lãnh đạo các cấp thăm hỏi nạn nhân trong vụ chìm tàu VTB 26

Khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 2

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chia 21 đoàn về kiểm tra, chỉ đạo phương án phòng, chống tại 21 địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, Tỉnh ủy thành lập 1 đoàn, UBND tỉnh thành lập 1 đoàn và Sở NN&PTNT tỉnh thành lập 3 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo.

Riêng lực lượng Công an Nghệ An, ngay từ chiều 16/7, lãnh đạo Công an tỉnh đã tổ chức họp triển khai lực lượng, và các phương án phòng, chống. Lãnh đạo Công an tỉnh đã yêu cầu Công an các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TX Cửa Lò chủ động tham mưu phương án di dời các hộ dân ven biển đến nơi an toàn, phòng tránh nước dâng, triều cường khi bão đổ bộ vào đất liền; phối hợp với các cấp, ngành chức năng kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn; thông báo chủ động phòng tránh, neo đậu tại nơi an toàn và không đi vào khu vực nguy hiểm. Đồng thời, xây dựng phương án phân công 500 CBCS  các phòng Công an tỉnh tăng cường 5 địa phương tuyến biển để phối hợp Công an các địa phương ứng phó với bão số 2.

Tham mưu, phối hợp cấp ủy chính quyền địa phương và các lực lượng khác thực hiện phương án di dời các hộ dân ở các khu vực nguy hiểm (cửa sông, cửa biển, ven sông...) đến nơi an toàn. Mặt khác, bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát khác tăng cường tuần tra, đảm bảo giao thông tại tuyến, địa bàn bị ngập lụt, chia cắt; kiểm tra và nghiêm cấm tất cả các chủ bến đò, phương tiện thủy nội địa hoạt động trong thời gian xảy ra mưa bão.

Trong sáng 17/7, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh đã chủ trì tổ chức cuộc họp yêu cầu Công an các đơn vị địa phương triển khai các phương án khắc phục hậu quả sau bão. Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương đã huy động tối đa lực lượng xuống địa bàn đảm bảo công tác ANTT, TTATGT như: Phòng, chống các hành vi lợi dụng mưa bão để hoạt động phạm tội, trộm cắp tài sản, phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các điểm có nguy cơ tai nạn và tắc nghẽn giao thông do bị cây xanh đổ, sạt lở đất, nước ngập úng...; đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với các ngành chức năng giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão và ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra trong thời gian tới. Công an các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp chủ động quân số thường trực, sẵn sàng phối hợp giúp dân phòng, chống ứng phó với lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn.

 Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ Công an Nghệ An chủ động khắc phục hậu quả do bão số 2 gây ra
Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ Công an Nghệ An chủ động khắc phục hậu quả do bão số 2 gây ra

Theo đó, ngay trong sáng 17/7, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, xung kích trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ trên địa bàn.

Theo dự báo, thời gian tới, mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả bão số 2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan có liên quan tiếp tục huy động phương tiện, lực lượng tập trung tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên của tàu vận tải biển VTB 26 đang gặp nạn, UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão số 2, tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu đói.

Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động vận hành các hồ chứa và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ đập. Tập trung khắc phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng do mưa bão, nhất là các công trình giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, thủy lợi; chủ động tiêu nước chống úng ngập, bảo vệ sản xuất. Huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường sau bão lũ.

 

Mai Hậu

Các tin khác