Theo các cuộc khảo sát được Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm như Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính Phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã đề ra. Nhiều cuộc kiểm tra có những nội dung trùng lặp gây lãng phí thời gian và làm xấu đi hình ảnh môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Khắc phục hạn chế trong thanh tra, kiểm tra
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng cho biết, kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết 35/ NQ-CP là tích cực, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lộc, các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và còn quá nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm.
“Các cuộc khảo sát của VCCI cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35/NQ-CP đã đề ra. Việc doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức, trong đó có rất nhiều đoàn thanh tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm: thanh tra quản lý thị trường, y tế, đo lường là một thực tế phổ biến”, ông Lộc nhấn mạnh.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp giải quyết việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tóan và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 4997/VPCP gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, VCCI… về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra kiểm tóan.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ tư pháp, kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra sự chồng chéo trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2017.
Đẩy mạnh cải cách Hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Liên quan đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong quí 1-2017 cho thấy kỳ vọng của các thành viên về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam vẫn tích cực nhưng mức độ lạc quan không bằng như năm 2016.
Theo phản hồi của các doanh nghiệp thành viên EuroCham tham gia khảo sát chỉ số BCI, 67% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh hiện tại là "rất tốt" và "tốt", giảm khoảng 5% so với quí trước. Trong khi số doanh nghiệp nói "không tốt" và "rất tệ" lần lượt là 9% và 3% (trong khi quí trước lần lượt là 3% và 2%)…
Theo ông Lộc, hệ thống pháp luật về kinh doanh còn khá nhiều bất cập, thủ tục hành chính vẫn còn nặng trong tương quan so sánh với các chuẩn mực tiên tiến của thế giới vẫn là những “nút thắt” gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Sing-ga-po hay Ma-lay-xi-a. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng, chi phí nộp thuế. Ngoài ra, còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, phụ phí vận tải biển… càng làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. “Giảm chi phí cho doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết.
Nhưng giảm chi phí không phải là tất cả. Gần đây, khi nói đến Chính phủ kiến tạo, chúng ta hay nói nhiều đến hỗ trợ, đến ưu đãi… nhưng cái cần nhất với doanh nghiệp không phải là hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về tài chính, nếu có thì hỗ trợ nên theo hướng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực về quản trị chứ không hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
.