Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201706/bo-truong-dinh-tien-dung-da-qua-dinh-no-cong-742346/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201706/bo-truong-dinh-tien-dung-da-qua-dinh-no-cong-742346/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đã qua đỉnh nợ công - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 12/06/2017, 09:19 [GMT+7]

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đã qua đỉnh nợ công

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong hai năm 2016, 2017, vấn đề nợ công đã được kiểm soát "rất tiến bộ", "nếu như năm 2014 lo đỉnh nợ năm 2016, 2017 thì bây giờ đã đẩy được đỉnh nợ qua".
 
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình những vấn đề quan trọng liên quan đến ngành tài chính như thu ngân sách, chi đầu tư phát triển, tình hình nợ công, phát hành trái phiếu…
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu trước Quốc hội.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, những năm vừa qua, nước ta gặp nhiều khó khăn về vấn đề ngân sách. Nguyên nhân là do kế hoạch ngân sách được triển khai trên nền kế hoạch tăng trưởng GDP 7% - 7,5%, sau đó điều chỉnh xuống 6% - 7% nhưng thực tế thực hiện cả giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 5,91%. Điều này dẫn đến việc thu ngân sách gặp khó khăn, cùng với việc giá dầu thô giảm sâu, giảm nhanh và việc cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập quốc tế.
 
Một nguyên nhân khác là điều chỉnh chính sách thu và cắt giảm chính sách thu nhanh hơn lộ trình để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, về thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh từ 25% xuống 22%, riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống 20% ngay từ năm 2013, trong khi lộ trình đến 2020 mới giảm sắc thuế này. Đồng thời, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân nên cũng làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN).
 
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cùng với tăng trưởng kinh tế, thu NSNN giai đoạn 2011-2015 cũng tăng 1,95 lần so với 2006 – 2010.
 
Bộ trưởng đánh giá, cơ cấu thu NSNN đang có chuyển biến tích cực. Đó là thu nội địa trong tổng thu từ mức 61,5% năm 2011 đến 2015 tăng lên 75% và 79% vào năm 2016, dự toán 2017 sẽ chiếm 81,7%.
 
Thu từ dầu thô cũng theo chiều hướng giảm tỉ trọng trong tổng thu NSNN. Năm 2011, tỉ lệ thu từ dầu thô chiếm 15,3%, đến năm 2016 chỉ còn 3,6% và dự toán 2017 chỉ còn 3,2%.
 
Tỉ trọng từ thu thuế XNK cũng giảm từ mức 21,6% năm 2011 xuống 15,7% năm 2016 và dự toán 2017 còn 14,8%.
 
Về chi ngân sách, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội chúng ta vẫn tập trung chi cho con người và an sinh xã hội. Giai đoạn này, chi an sinh xã hội (không kể tiền lương) tăng 18%, tăng rất cao so với tốc độ tăng thu ngân sách. Nếu năm 2011 chúng ta mới có 11 nhóm ngân sách về an sinh xã hội thì đến 2016 lên tới 21 nhóm khiến số chi ngân sách tăng cao.
 
Về chi đầu tư phát triển, giai đoạn 2011-2015 bố trí dự toán là 18,2% thấp hơn 2006-2010, nhưng thực tế trong điều hành hằng năm, con số này tăng lên 23,6% trong tổng chi NSNN, nếu tính cả sổ xố kiến thiết và các khoản khác thì lên 26%. Năm 2017 bố trí dự toán chi cho đầu tư phát triển là 25,7% tổng chi NSNN.
 
“Như vậy, có sự cải thiện đang kể trong chi NSNN theo hướng tăng chi đầu tư phát triển và tăng khá nhanh”, Bộ trưởng cho biết.
 
Liên quan đến bội chi ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay giai đoạn 2014-2016, Quốc hội đã phê duyệt việc phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Thêm vào đó, giải ngân vốn ODA quá cao so với dự toán (dự toán của cả giai đoạn là 142.000 tỷ đồng, thực tế giải giân đến 251.000 tỷ đồng) do tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết của Quốc hội.
 
Lý giải về nợ công tăng cao, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, do phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, do giải ngân cao so với dự toán nên khi quyết toán thì bội chi tăng cao. Bội chi của giai đoạn 2011- 2015 dự tính là 5%, do hai nguyên nhân trên nên bội chi lên tới 5,8%.
 
Nợ công năm 2010 là 50% GDP, năm 2015 là 62,5%. Nếu xét về quy mô thì năm 2015 tăng 2,3% lần so với năm 2010, tăng bình quân 18,4%/năm.
 
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, ban hành Nghị quyết 07 về tái cơ cấu NSNN, bảo đảm an toàn nợ công.
 
Bộ trưởng cho biết giai đoạn 2016 - 2017, nợ công đã được kiểm soát rất tiến bộ thông qua kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu. Nếu năm 2013, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ là 3 năm, thì đến năm 2016, kỳ hạn đã trên 8 năm, đến năm 2017 là 15,6 năm. Kéo danh mục kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ 2,98 năm năm 2013 đến nay bình quân trên 6 năm.
 
Năm nay, đến thời điểm này đã phát hành được 102.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn trên 5 năm, không có khoản phát hành trái phiếu Chính phủ nào dưới 5 năm theo Nghị quyết của Quốc hội.
 
"Chúng tôi cho đây là một thắng lợi rất tốt và chúng ta đã đẩy được đỉnh nợ. Nếu như năm 2014 lo đỉnh nợ năm 2016, 2017 thì bây giờ đã đẩy được đỉnh nợ qua", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
 
Bộ Tài chính cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp về cơ cấu lại nguồn thu ngân sách.
 
Tới đây, Bộ sẽ trình Quốc hội Luật Thuế tài sản, một luật sửa 5 luật thuế; siết chặt chi tiêu, nhất là chi tiêu thường xuyên. Các giải pháp về tiết kiệm chi tiêu thường xuyên sẽ được tập trung cùng với quản lý thu. 
 
Bộ Tài chính cũng sẽ trình Chính phủ ban hành quyết định chế độ về xe công; giải pháp về khoán chi, tinh giản bộ máy, biên chế… nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu NSNN, bảo đảm an toàn nợ công với kết quả rõ nét hơn.
.

Nguồn: Lê Sơn/Chinhphu.vn

.