(Congannghean.vn)-Tỉnh Nghệ An đang hướng đến mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Cùng với các khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn đã đi vào hoạt động ổn định, hiện nay, việc quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp (CCN) ở nhiều địa phương tiếp tục được quan tâm mở rộng. Đây là tiền đề để tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.
Nam Đàn là một trong những huyện thuộc diện quy hoạch CCN khá muộn so với nhiều địa phương khác. Đó là CCN Nam Giang được tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, có tổng diện tích 36,5 ha. Thế nhưng, chỉ với việc hình thành CCN Nam Giang, toàn bộ diện tích đã được lấp đầy các công ty, xí nghiệp.
Đầu tư xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động năm 2013, chi nhánh Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội chuyên gia công và may hàng xuất khẩu mới đầu chỉ xây dựng một phân xưởng 700 công nhân, thì từ tháng 6/2016 đến nay, đã khánh thành đưa vào hoạt động phân xưởng thứ hai.
Có thể nói, việc quy hoạch tốt các CCN đang tạo ra cơ hội cho các địa phương trong việc thu hút nhanh các nhà đầu tư vào địa bàn. Riêng CCN xã Nghĩa Mỹ, TX Thái Hòa, chỉ với diện tích 34,93 ha nhưng đã thu hút được 7 doanh nghiệp vào đầu tư. Điển hình có Công ty TNHH HiTex, 100% vốn từ Hàn Quốc, quy mô lao động 1.000 công nhân. Ông Lee Byeng Sam, Giám đốc Công ty TNHH HiTex đánh giá: Chúng tôi nhận thấy các điều kiện ở đây tốt như giá thuế đất thấp, hạ tầng CCN tốt…, chính quyền địa phương quan tâm và giúp đỡ chúng tôi khi có nhu cầu, nguồn nhân lực dồi dào.
Các cụm công nghiệp đã góp phần giải quyết công việc cho lao động địa phương |
Về tình hình quy hoạch, phát triển CCN, đến nay, cả tỉnh có 18 cụm đi vào hoạt động, thu hút trên 180 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp và giải quyết việc làm cho 17.000 lao động. Điều đó phản ánh rõ nét về vai trò, tầm quan trọng của CCN trong thúc đẩy kinh tế - xã hội đi lên.
Một trong những CCN hình thành sớm nhất ở Nghệ An là CCN xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (2003). Mặc dù chỉ rộng 10 ha nhưng CCN này có tới 41 cơ sở sản xuất và 31 hộ kinh doanh cá thể, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, làm thay đổi diện mạo xã Diễn Hồng.
Ông Nguyễn Hồng Trung, Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu cho biết: Diễn Hồng giàu mạnh phần lớn là do việc sản xuất kinh doanh của CCN này. Công nghiệp - dịch vụ chiếm 75% cơ cấu kinh tế của địa phương. Hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư quy mô vừa tìm đến nhưng quỹ đất không có.
Qua đây, có thể khẳng định, bức tranh kinh tế ở hầu hết các địa phương từ khu vực trung du, miền núi đến đồng bằng ven biển đều có sự chuyển dịch lớn từ nông nghiệp sang công nghiệp, bởi sự đầu tư phát triển của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh… Theo đề án quy hoạch, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Nghệ An sẽ có tới 50 CCN để thu hút đầu tư tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Mục tiêu đó cũng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, chuyển dịch lao động tại chỗ, tăng thu ngân sách…
Tuy vậy, hầu hết các CCN diện tích được quy hoạch còn hẹp nên một số địa phương đang đề nghị tỉnh và các ban, ngành liên quan chấp thuận điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích. Theo quy định, mỗi cụm có diện tích tối đa không quá 76 ha. Tuy nhiên, trên thực tế, các CCN được quy hoạch thời gian qua chỉ gói gọn trên dưới 40 ha. Theo ông Hoàng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, địa phương được quy hoạch 3 CCN, có cụm đã cơ bản lấp đầy nhưng có cụm thì đề nghị tỉnh cần mở rộng quy hoạch để dễ dàng đón nhà đầu tư.
Ông Phạm Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND TX Thái Hòa cho biết: Hiện nay, ngoài mong muốn được tỉnh điều chỉnh quy hoạch CCN Nghĩa Mỹ, chúng tôi đề nghị cần quy hoạch CCN Tây Hiếu vì đây là vùng rộng lớn thuận lợi về giao thông.
Bên cạnh bước phát triển của CCN thời gian qua, vấn đề quy hoạch hạ tầng CCN vẫn còn những bất cập như: Việc xây dựng còn chắp vá, tác động xấu đến môi trường cảnh quan… Để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào các CCN, cần phải có những giải pháp đồng bộ, hợp lý hơn. Ông Nguyễn Huy Cương, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho biết: “Sở sẽ tham mưu cho tỉnh để mở rộng CCN phù hợp, đồng thời sẽ rút những CCN không đáp ứng được các điều kiện cần và đủ cho sự phát triển; cần chú ý đến môi trường, quy hoạch phải chi tiết, cụ thể từng hạng mục. Sắp tới, chúng ta cần xây dựng những CCN kiểu mẫu và có những cơ chế hỗ trợ trong công tác quy hoạch”.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 18 Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2016 - 2020 xác định, đó là: Đưa tỉ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP đến năm 2020 lên 40 - 41%. Trong đó, giá trị sản xuất trong các CCN đạt tới 10% trong phát triển công nghiệp của cả tỉnh và gắn với giải quyết việc làm thường xuyên cho 19.000 lao động. Để đạt được mục tiêu này, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước của ngành cần phải quan tâm quy hoạch tạo mặt bằng, hạ tầng CCN tốt nhất. Và, quan trọng hơn nữa là cần thực hiện chủ trương “rải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư vào địa bàn.
.