Kinh tế xã hội

Đồng loạt tăng viện phí, chuẩn bị tăng giá điện: Nỗi lo rình rập

10:13, 14/04/2017 (GMT+7)

Ngay cả khi chưa tính đến tăng giá điện, lạm phát năm nay đã được dự báo đang rình rập vượt "trần" 4%. Đây sẽ là một thách thức lớn cho Chính phủ khi xem xét việc điều chỉnh giá điện, trong khi đó vẫn còn 27 tỉnh thành chưa hoàn thành tăng phí dịch vụ y tế sẽ tiếp tục thực hiện trong năm nay.

Nên "nhường sân" cho điện tăng giá?

Lên tiếng về giá điện tại buổi công bố báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam quý I của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) vừa qua, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển, nói: "Trong giá dịch vụ, cái khó nhất ở Việt Nam hiện nay chính là giá điện, bởi nó còn là vấn đề xã hội. Chúng ta đã kìm hãm giá điện 2 năm nay".

Nhưng "nếu không điều chỉnh giá điện, rất khó để các nhà đầu tư vào làm điện và ảnh hưởng đến cân đối nguồn điện. Nếu không tăng giá điện năm nay, để lùi sang năm sau thì lạm phát sẽ còn cao hơn", ông Trương Đình Tuyển đánh giá.

tăng giá điện, giá điện, biểu giá bán lẻ điện, lạm phát, tăng trưởng GDP, Tập đoàn điện lực Việt Nam, EVN
Giá điện đang được xem xét điều chỉnh sau 2 năm im ắng 

Ông Tuyển cho rằng, để đảm bảo hài hoà giữa yếu tố tăng giá điện và lạm phát năm nay, Chính phủ nên hoãn lại lộ trình tăng giá dịch vụ công như dịch vụ y tế.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, cũng lo lắng: "Với tình hình này, dù các phương án giá chưa được đề cập nhưng giá điện sẽ phải điều chỉnh trong năm nay".

Do vậy, ông Thành cũng cho rằng, việc trì hoãn, kéo dài lộ trình tăng giá dịch vụ y tế để giảm tác động tới lạm phát là hợp lý.

Lý giải thêm cho việc "cần phải điều chỉnh giá điện", theo TS Võ Trí Thành, một phần còn bởi những khó khăn nội tại về nguồn điện của Việt Nam.

"Từ nay tới năm 2020, Việt Nam chưa có cửa nào để thay thể điện từ nguồn khai khoáng truyền thống. Điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện tái tạo có thể nhúc nhích phát triển hơn nhưng tỷ lệ đóng góp rất thấp. Dự án điện hạt nhân đã tạm dừng. Vì vậy, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, nhu cầu đời sống... thì Việt Nam vẫn phải dựa vào nhiệt điện", ông Thành phân tích.

Nói cách khác, khi dựa vào nhiệt điện - tức nguồn giá cao, chiếm tới hơn 50% trong cơ cấu nguồn điện hiện nay thì sức ép phải tăng giá, bù đắp chi phí là rất lớn.

Với bối cảnh đó, TS Võ Trí Thành lưu ý: "Khi tăng giá điện, Chính phủ vẫn cần có phương án trợ giá cho các hộ có thu nhập thấp".

Tổng kết về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2016, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, từng lý giải sức ép buộc phải tăng giá điện.

Cụ thể, giá than tăng khiến chi phí ngành điện đội thêm 4.600 tỷ đồng. Riêng việc điều chỉnh độ ẩm của than theo tiêu chuẩn kỹ thuật mới cũng đã khiến mỗi năm, EVN tốn thêm 200 tỷ đồng. Việc mua nhiên liệu bằng đồng USD buộc EVN  gánh thêm 9.800 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá.

Ước tính sơ bộ, tới gần 14.600 tỷ đồng chưa phân bổ vào giá điện. Đây có thể là một trong nhiều lý do, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu kịch bản điều chỉnh giá điện năm 2017, trình Chính phủ trước 25/3.

tăng giá điện, giá điện, biểu giá bán lẻ điện, lạm phát, tăng trưởng GDP, Tập đoàn điện lực Việt Nam, EVN
Lạm phát trong 10 năm qua (biểu đồ: Phạm Huyền)
tăng giá điện, giá điện, biểu giá bán lẻ điện, lạm phát, tăng trưởng GDP, Tập đoàn điện lực Việt Nam, EVN
Giá điện trong 10 năm qua (đồ thị: Phạm Huyền)

Thận trọng lạm phát

Tuy nhiên, rào cản về cân đối vĩ mô cho một kế hoạch tăng giá điện trong năm nay đang là vấn đề rất đáng chú ý, thay vì chỉ đơn thuần là sự nhạy cảm hay tâm lý lo ngại phản ứng từ phía người dân, doanh nghiệp.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê đã công bố các chỉ tiêu GDP và lạm phát đều không như mong đợi. Quý I tăng trưởng GDP đạt thấp chỉ 5,1% và lạm phát đã tăng 4,65%.

TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ: "Chưa tính toán các tác động của việc tăng giá điện, nhưng dưới tác động của nhiều yếu tố, lạm phát năm nay dự báo sẽ vượt mục tiêu đề ra". Cụ thể, 2, VEPR dự báo lạm phát sẽ ở mức 4,5%, quý 3 là 4,2% và quý 4 sẽ là 4,3%.

Các con số này được tính toán trên cơ sở có điểm sáng trong việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo này cách xa mục tiêu Chính phủ đề ra là kiểm soát lạm phát ở mức không quá 4% trong năm nay.

TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ: "Hiện còn 27 tỉnh, thành chưa hoàn thành việc tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình. Nếu vì lý do tăng giá điện, trì hoãn giá dịch vụ công sẽ làm khó cho các địa phương và gây ra sự không nhất quán, không ổn định trong chính sách".

"Giá dịch vụ công vẫn cần tăng theo lộ trình. Các nhà điều hành chính sách hoàn toàn có thể tính toán lạm phát sẽ bị đẩy lên bao nhiêu và sau đó, mới cân nhắc việc tăng giá điện ra sao cho phù hợp với mục tiêu lạm phát đề ra", ông Thành khuyến nghị.

Theo các quy định hiện hành, mức tăng giá điện dựa vào 3 tiêu chí là giá nhiên liệu đầu vào như giá than, giá khí,... cơ cấu nguồn điện và tỷ giá. Các kịch bản giá điện được đưa ra tương ứng với chi phí đầu vào, sau đó mới tính toán mức tác động lên lạm phát, GDP... Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương và Chính phủ sẽ quyết định chọn phương án cuối.

Nhìn lại 10 năm qua, giá điện bán lẻ ở Việt Nam đã tăng 10 lần. Trong đó, lần tăng mạnh nhất là 15,28% vào ngày 1/3/2011; mức tăng thấp nhất là 5%/lần trong 4 đợt tăng giá từ 20/12/2011-1/8/2013.

Lần gần đây nhất, giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3/2015, nghĩa là đã cách đây 2 năm. Khi đó, Bộ Công Thương đã ước tính mức tác động tới lạm phát là từ 0,18 đến 0,23%. Đây là năm lạm phát cũng tăng thấp kỷ lục trong 15 năm là 0,6%. 

Trong bối cảnh này, mặc dù sức ép tăng giá điện là rất lớn, nhưng với rủi ro đẩy lạm phát tăng cao, chắc chắc các kịch bản giá điện tới đây cần phải xem xét cực kỳ thận trọng.

Nguồn: Vietnamnet

Các tin khác