Kinh tế xã hội
Chiến dịch hiến máu tình nguyện: Cho đi để nhận lại
08:41, 16/04/2017 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cùng với cả nước, Nghệ An là một trong những địa phương đẩy mạnh và đã phát huy hiệu quả phong trào hiến máu tình nguyện trong nhân dân. Hàng năm, đã có hàng nghìn đơn vị máu được cho đi, đồng nghĩa với việc, có hàng trăm bệnh nhân được cứu sống kịp thời, thắp lên hy vọng về sự sống, niềm tin và tấm lòng vị tha giữa cuộc đời.
Các bạn trẻ tham gia hiếu máu tại Trung tâm Huyết học và truyền máu tỉnh Nghệ An |
Theo bác sĩ Cao Tần Trang, Trung tâm Huyết học và truyền máu tỉnh Nghệ An, hiện nay, số lượng bệnh nhân cần máu vẫn đang còn rất lớn. Lượng máu truyền trong quá trình điều trị cũng đa dạng hơn. Tính từ ngày 1/1/2017 đến đầu tháng 4/2017, Trung tâm đã tiếp nhận 7.431 đơn vị máu và sản xuất 15.224 máu và chế phẩm máu. Đây cũng là Trung tâm duy nhất trong tỉnh có máy tách thành phần máu nhằm phục vụ nhu cầu máu đa dạng trong điều trị của bệnh nhân.
Trong thời gian qua, tại các đơn vị và địa phương, hoạt động kêu gọi mọi người hiến máu tình nguyện cũng rất đa dạng, được lồng ghép trong các phong trào đoàn thể. Cũng từ hoạt động này mà nhiều người bệnh trong cơn nguy kịch được cứu sống, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Các hoạt động tuyên truyền cũng được nhiều doanh nghiệp, trường học đẩy mạnh nên đã nâng cao ý thức của người dân về hiếu máu cứu người. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn nhận thức hạn chế về việc hiến máu như: Hiến máu có giảm cân không hay lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm? Hoặc hiến máu làm giảm sức khỏe, sức đề kháng con người…
Là người có nhiều năm gắn bó với các hoạt động hiến máu tình nguyện tại địa phương, anh Nguyễn Tâm Thành, Trưởng phòng Hành chính Kế hoạch, Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh chia sẻ về việc kêu gọi người dân tham gia hiến máu tình nguyện: Cái khó lớn nhất của phong trào chính là việc để người dân ý thức rằng, hiến máu là tự nguyện, là góp phần hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Hiện nay, Nghệ An đang gặp hai khó khăn trong phát động phong trào tại các địa phương.
Khoa học đã chứng minh, nếu một người mất đi 10 - 15% lượng máu thì không ảnh hưởng đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể, vì ngay lúc đó, máu dự trữ sẽ được đưa ra lưu thông trong tuần hoàn máu. Khi tham gia hiến máu, máu được đổi mới hàng ngày, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 - 10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3 - 4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật.
|
Trước hết là tỉ lệ hiến máu túi 350 ml và 450 ml vẫn đang còn rất thấp (chủ yếu là túi 250 ml). Chuyện thiếu tiểu cầu cũng gây cản trở nhất định cho quá trình điều trị tại các bệnh viện. Vì thế, trong tương lai, anh Thành dự định sẽ thành lập Câu lạc bộ tiểu cầu và hình thành, phát triển phong trào Hiến máu đường phố. Nếu được triển khai trong thực tế, người dân có thể thực hiện hiến máu trong điều kiện thuận lợi nhất. Cũng theo anh Thành, trong thời gian qua, nhằm hạn chế tình trạng thiếu máu cục bộ vào giữa hè và sau Tết, tỉnh đã đa dạng hóa nhiều hoạt động, phong trào để lôi cuốn người dân tích cực tham gia hiến máu tình nguyện…
Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân được cứu sống nhờ những giọt máu cho đi, như trường hợp chị Nguyễn Thị Thể (Thanh Chương) bị chẩn đoán thai 25 tuần rau bong non. Nhờ có 6 lít máu mà chị đã qua cơn nguy kịch. Ngay chính bác sĩ trong Trung tâm Huyết học và truyền máu tỉnh cũng đã được cứu sống thành công trong quá trình sinh nở. Và trên địa bàn, từ phong trào đã có không ít tấm gương tham gia hiến máu tình nguyện trên 10 lần. Với những bạn trẻ, những người dân đang mong muốn mang đi giọt máu cứu người, mỗi giọt máu là biểu hiện của sự sống và tiếp sức cho sự sống. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người thì nó trở thành một làn sóng của yêu thương, là tinh thần “đồng bào” cao đẹp.
Khoa học đã chứng minh, nếu một người mất đi 10 - 15% lượng máu thì không ảnh hưởng đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể, vì ngay lúc đó, máu dự trữ sẽ được đưa ra lưu thông trong tuần hoàn máu. Khi tham gia hiến máu, máu được đổi mới hàng ngày, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 - 10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3 - 4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật.
Tuệ Trang