(Congannghean.vn)-Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, có hàng trăm cửa hàng xăng dầu đang hoạt động nhưng chưa đủ điều kiện kinh doanh, nhiều cửa hàng không nằm trong quy hoạch nhưng cơ quan chức năng vẫn cho phép hoạt động vì “lịch sử để lại”. Thậm chí, nhiều cơ sở vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng cũng tự ý mở cây xăng dầu, bồn chứa để phục vụ nội bộ.
Nhiều bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Theo Quyết định 1665/QĐ-BCT ngày 5/4/2012 của Bộ Công thương, phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến QL1A đến năm 2020, có tính đến năm 2025 thì trên địa bàn Nghệ An, có tất cả 11 cửa hàng xăng dầu nằm trong quy hoạch được phê duyệt.
Tại Quyết định số 3744/QĐ-UBND ngày 4/8/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu đến năm 2020, có tính đến năm 2025 cũng khẳng định: “Đối với các cửa hàng dọc theo QL1A thực hiện theo Quyết định 1655 của Bộ Công thương”.
Cây xăng dầu “chen chân” nhau trên QL1A đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc |
Quyết định cũng nêu rõ, nếu khu vực nội đô, nội thị, khoảng cách giữa các điểm đặt cây xăng liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên quốc lộ không gần hơn 1.000 m và không có dải phân cách đối thì khoảng cách này là 2.000 m. Tương tự, đối với cây xăng đặt ngoài đô thị, khoảng cách này lần lượt là 6.000 m và 12.000 m. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, có rất nhiều cửa hàng xăng dầu không đạt chuẩn cả về khoảng cách địa lý lẫn diện tích khuôn viên theo quy định.
Đơn cử, trên QL1A đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, chỉ trong bán kính khoảng 2.000 m nhưng có đến 6 cây xăng dầu mọc lên, san sát nhau. Ngoài các cây xăng dầu đã có từ trước như Bích Phương, Quang Sáu, Thanh Tý, Huyền Vinh và Phú Quý, tại vị trí này hiện tiếp tục “mọc” lên một cây xăng dầu mới, chỉ cách cây xăng Phú Quý khoảng 100 m.
Tương tự, về tiêu chí quy mô, diện tích, Quyết định 3744 của UBND tỉnh cũng đã quy định rất rõ, đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu loại 3, diện tích tối thiểu phải là 500 m2, có ít nhất 3 cột bơm loại 1 - 2 vòi, song từ tháng 10/2014, Cửa hàng Xăng dầu Phượng Hoàng (trực thuộc Công ty Xăng dầu Nghệ An) được đưa vào hoạt động tại địa chỉ số 203, đường Lê Duẩn (TP Vinh), chỉ với 2 cột bơm, diện tích cũng không đủ theo quy định.
Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều doanh nghiệp vận tải ôtô, các trạm trộn bê tông cũng tự ý lắp đặt các cột bơm xăng, dầu trong khuôn viên của doanh nghiệp để phục vụ nội bộ. Cụ thể, Trạm trộn bê tông của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Vinh Thành tại xã Nghi Liên (TP Vinh) và 1 Nhà máy sản xuất bê tông đóng tại Khu công nghiệp Nghi Thạch (Nghi Lộc) là hai đơn vị tự lắp đặt cột bơm xăng dầu trong khuôn viên nhưng không được cơ quan chức năng thẩm định, kiểm tra.
Điểm đặt trạm bơm xăng dầu trong trạm trộn bê tông Vinh Thành |
Theo báo cáo của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có 675 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (kể cả tàu thuyền và các ki-ốt bán lẻ xăng dầu Diezel trên sông, trên biển và ven sông, ven lạch biển). Trong đó, có 123 cửa hàng, tàu bán lẻ xăng dầu chưa được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh hoạt động khi chưa đảm bảo các thủ tục về giấy phép xây dựng, thẩm duyệt an toàn PCCC, kiểm định phương tiện đo lường về môi trường và tập huấn nghiệp vụ.
Trong đó, có 38 cửa hàng không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu ven sông, ven biển, 15 tàu thuyền không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, 28 cửa hàng xăng dầu tự ý xây dựng và 42 cửa hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng đã được giải quyết chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, vẫn còn 102 cửa hàng thiếu giấy phép xây dựng. Báo cáo của Sở Công thương cũng cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh có 190 cửa hàng bán lẻ xăng dầu kinh doanh chung với nhà ở trên đất ở và đất vườn.
Trước ngày 30/6/2017, đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, phải khắc phục các tồn tại, bổ sung, hoàn thiện các thủ tục còn thiếu. UBND tỉnh cũng ra “chỉ thị” sẽ xóa bỏ, di dời các cửa hàng bán lẻ dầu Diezel ven sông, lạch biển, cửa hàng không đảm bảo về diện tích, chiều dài bám mặt đường; đối với các tàu thuyền bán lẻ dầu Diezel ven sông, lạch biển, phải dừng hoạt động nếu không hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. |
Khó khăn hay buông lỏng trong việc xử lý?
Kết luận số 658 ngày 7/11/2016 của đồng chí Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại buổi làm việc bàn phương án tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Nghệ An đã chỉ rõ: Những vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu đã tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết kịp thời. Nguyên nhân là do công tác quản lý của các ngành, địa phương chưa tốt, chưa kịp thời. Chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã còn thiếu kiên quyết trong xử lý các trường hợp vi phạm về xây dựng, vi phạm quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Nghệ An cho rằng, tồn tại vướng mắc về xăng dầu hiện nay là do lịch sử để lại. Đặc thù của Nghệ An là hoạt động kinh doanh xăng dầu có từ trước năm 2005, là thời điểm trước khi UBND tỉnh quy hoạch.
Bà Hà cho biết: “Những cửa hàng xăng dầu ngoài quy hoạch phải nắm qua các huyện. Phòng Quản lý thương mại do nhân sự ít nên không thể nắm được hết. Còn một số cửa hàng khác, ngoài quy hoạch nhưng đã hoạt động từ thời bao cấp đến nay, chủ yếu là hoạt động bán dầu trên biển. Do đó, những cây xăng có từ trước dù không nằm trong quy hoạch cũng phải tạo điều kiện cho hoạt động vì vốn người dân bỏ ra nhiều. Đặc thù của các cây xăng trên QL1A là bán nợ, nên phải tạo điều kiện để người dân thu hồi vốn”.
Cũng theo bà Hà, việc các cây xăng mọc san sát nhau trên địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc là do đặc thù Khu kinh tế Đông Nam, không giới hạn về khoảng cách, đã được Ban Quản lý Khu kinh tế đồng ý. Đối với việc các doanh nghiệp vận tải, trạm trộn bê tông đặt các trạm bơm, bồn chứa, đại diện Sở Công thương cho rằng, các đơn vị này phục vụ nội bộ, không kinh doanh nên không thuộc phạm trù quản lý. Đối với các đơn vị này, chỉ cần thẩm định về PCCC, riêng về quy chuẩn môi trường thì địa phương có trách nhiệm quản lý.
Ông Cao Viết Đông, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Xăng dầu Nghệ An thừa nhận, Công ty có cung cấp sản phẩm cho một số đơn vị kinh doanh vận tải và trạm trộn bê tông trên địa bàn theo hình thức xuất hàng tại kho. Theo ông này, các đơn vị này có nhu cầu thì Công ty cung cấp sản phẩm, xem họ như đối tác, khách hàng chứ không quan tâm đến việc các cơ sở này có đủ điều kiện hay không. Đại diện Petrolimex cũng phủ nhận việc liên quan đến lắp đặt các cột bơm tại các trạm trộn bê tông, các doanh nghiệp vận tải dù tại các điểm lắp đặt, các đơn vị này sử dụng nhãn hiệu của hãng.