Kinh tế xã hội

APEC 2017: Cơ hội quảng bá, hợp tác tốt cho DN Việt

15:00, 22/03/2017 (GMT+7)
Với sự hiện diện của lãnh đạo nhiều nền kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu khu vực, các hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp trong năm APEC 2017 tại Việt Nam là cơ hội tốt để các bên quảng bá tiềm năng, chia sẻ các giải pháp quản trị để tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
y là nội dung được trao đổi tại buổi họp báo thông báo về hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong năm APEC 2017 và thông báo kết quả kỳ họp Hội đồng Tư vấn kinh doanh lần thứ nhất (ABAC 1), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 21/3.
Hình ảnh tại buổi họp báo
Hình ảnh tại buổi họp báo
Theo kế hoạch triển khai năm APEC Việt Nam 2017, VCCI đã được Chính phủ giao chủ trì tổ chức các sự kiện và hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, bao gồm Diễn đàn Khởi nghiệp APEC bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ diễn ra vào ngày 13/9; kỳ họp lần thứ tư của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC từ ngày 4-7/11.
 
Từ ngày 8-10/11, VCCI sẽ tổ chức chuỗi hội nghị quan trọng tại Đà Nẵng như Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam; Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit 2017); Hội nghị Đối thoại giữa thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh (ABAC) và các lãnh đạo các nền kinh tế APEC…
 
Đây là các hội nghị, diễn đàn được cộng đồng kinh doanh thế giới quan tâm và ủng hộ. Diễn đàn khởi nghiệp trong khuôn khổ hoạt động của APEC 2017 sẽ thảo luận các vấn đề về mô hình quản trị, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, với dự hiện diện của đại diện của nhiều doanh nghiệp nổi tiếng.
 
Đặc biệt, sự kiện APEC CEO Summit sẽ có tham gia của nguyên thủ các quốc gia thành viên APEC. Tại đó, lãnh đạo của các nền kinh tế APEC và doanh nghiệp sẽ cùng bàn các vấn đề toàn cầu như xu hướng của nền kinh tế toàn cầu, khoa học công nghệ, quản trị…
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC phân tích, đang có sự chuyển dịch thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu - thế mạnh của các nước đang phát triển như Việt Nam - có thể đối mặt với nhiều sự cạnh tranh. Trong khi đó, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chiến lược quản trị doanh nghiệp theo kịp xu thế toàn cầu.
 
Với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, giúp niềm tin trở lại và phát triển mạnh. Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều đánh giá cao môi trường kinh doanh và mong muốn sẽ mở rộng đầu tư hơn nữa tại Việt Nam.
 
Tuy vậy, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ tích cực về môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp nhỏ, có thể lớn lên, tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, cần thúc đẩy việc chuyển các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp để tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị.
 
Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh (ABAC) đã thông báo về kết quả kỳ họp của Hội đồng này lần thứ nhất tại Bangkok, Thái Lan. Lãnh đạo VCCI cũng giải đáp băn khoăn của các doanh nghiệp về việc làm thẻ doanh nhân APEC và cho biết sẽ làm việc với Bộ Công an để rà soát lại.

Nguồn: Huy Thắng/Chinhphu.vn

Các tin khác