(Congannghean.vn)-Lao động xuất khẩu (LĐXK) gắn với công tác xoá đói giảm nghèo là chủ trương đang được các cấp, ngành quan tâm trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay. Thế nhưng, để mở rộng cơ hội cho người lao động (NLĐ) hướng tới những thị trường tiềm năng có thu nhập cao, an toàn, ổn định trong môi trường làm việc thì còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết trước mắt cũng như lâu dài.
Lao động cần được nâng cao tay nghề kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các thị trường tiềm năng |
Nhiều chuyển biến tích cực
Trong những năm qua, nhờ có sự chuyển biến tích cực trong công tác tìm kiếm thị trường lao động XKLĐ nên nhiều địa phương đã vươn lên thoát nghèo, mức sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường XKLĐ, tăng lượng kiều hối đem về nhằm xoá đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương lớn đang được các cấp, ngành quan tâm trong suốt thời gian qua.
Điều này cũng được khẳng định trong Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020: “… tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, đào tạo nghề, đưa người đi lao động ở nước ngoài, ưu tiên người nghèo, người dân tộc thiểu số các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn”. Mặt khác, LĐXK còn là một trong những lực lượng góp phần không nhỏ trong việc đưa số kiều hối về nước xây dựng quê hương trong những năm qua.
Qua thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến hết năm 2016, Nghệ An đã đưa được gần 13.000 người đi XKLĐ. Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã có khoảng hơn 55.000 người đang trực tiếp làm việc tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài việc tiếp tục duy trì những thị trường XKLĐ truyền thống như Đài Loan, Malaysia thì từ năm 2010 đến nay, Nghệ An đã chú trọng hướng NLĐ xuất cảnh sang các nước đòi hỏi tay nghề cao, thu nhập hấp dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực Trung Đông.
Đặc biệt, để từng bước đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng, trong những năm qua, Nghệ An đã không ngừng đầu tư, mở rộng các đơn vị đào tạo nghề chất lượng cao. Qua đó, chất lượng LĐXK đã được nâng lên, tỉ lệ tay nghề được đào tạo đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Điều này cũng khẳng định đa phần LĐXK được đào tạo bài bản, đủ điều kiện để làm việc tại các nước đòi hỏi tay nghề cao. Bên cạnh đó, việc liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo tay nghề cho NLĐ cũng được hướng tới.
Một số doanh nghiệp XKLĐ cũng đã xây dựng được văn phòng đại diện ở nước sở tại nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ hơn để NLĐ yên tâm làm việc cũng như giải quyết kịp thời các biến cố xảy ra. Ngoài ra, công tác quản lý lao động đã xuất khẩu ngày càng được quan tâm với những ràng buộc chặt chẽ, tránh các trường hợp vi phạm hợp đồng ký kết trước khi xuất cảnh.
Sớm khắc phục những tồn tại
Nhìn vào biểu bảng thống kê về con số đưa NLĐ đi xuất khẩu của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, Nghệ An đang là một trong những địa phương có số người hiện đang làm việc tại các nước lớn nhất cả nước. Chỉ tính riêng năm 2010, Nghệ An có 11.238 người đi XKLĐ tại các nước như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Trung Đông… thì đến năm 2016, con số này đã lên tới gần 13.000 người. Nếu như năm 2010, số lao động Nghệ An sang làm việc tại Hàn Quốc là 965 người thì năm 2016 gần 1.500 người. Đặc biệt, số LĐXK sang các nước đòi hỏi tay nghề cao, thu nhập hấp dẫn như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông ngày một tăng trong những năm qua.
Tuy nhiên, để công tác XKLĐ ổn định, đáp ứng được những đơn hàng “khó tính” như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông… thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết. Số lượng LĐXK tuy tăng nhưng chất lượng đào tạo nghề, tác phong làm việc tại các môi trường năng động, đòi hỏi kỷ luật cao… vẫn còn rất thấp. Tỉ lệ lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp… vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Qua thống kê, trong tổng số 7.000 người sang làm việc tại Hàn Quốc tính từ năm 2005 - 2016 thì Nghệ An có gần 1.500 người cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại. Thực trạng này đang trở thành tiền lệ xấu, gây mất uy tín trong công tác tuyển dụng XKLĐ của đối tác.
Ông Đặng Cao Thắng. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: Để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục mở rộng cơ hội cho LĐXK làm việc tại các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Trung Đông, Đông Âu… thì công tác tuyên truyền sâu rộng giúp NLĐ hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của mình cần được nâng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, các cơ quan tham gia vào hoạt động XKLĐ cần được phối hợp chặt chẽ hơn. Các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo ra nguồn lao động chất lượng cao cho hoạt động XKLĐ. Mặt khác, để hạn chế những tồn tại, vướng mắc trong công tác XKLĐ, đơn vị cũng sẽ nghiên cứu, tham mưu để các cơ quan chức năng ban hành các văn bản quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này chặt chẽ hơn.