(Congannghean.vn)-Hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống và nhu cầu đi lại của nhân dân. Một số tuyến đường đã có dự án duy tu, nâng cấp sửa chữa nhưng làm dở dang thì thiếu vốn, một số tuyến khác vừa nâng cấp xong đã hư hỏng.
Một trong những tuyến đường chưa bàn giao đã hư hỏng tại huyện Tân Kỳ |
Tại huyện Tân Kỳ, năm 2008, do đường giao thông vào trung tâm xã Tân Hợp - Khu du lịch sinh thái Thung Khiến xuống cấp nghiêm trọng nên UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 923 để nâng cấp, sửa chữa. Công trình gồm tuyến đường dài hơn 19,7 km, tổng mức đầu tư gần 49 tỉ đồng, do UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư. Năm 2009, UBND huyện Tân Kỳ có quyết định điều chỉnh dự án, nâng số vốn lên hơn 65 tỉ đồng và đến năm 2016 tiếp tục điều chỉnh lần thứ 3, với số vốn 90 tỉ đồng.
Mặc dù mới đưa vào sử dụng được 2 - 3 tháng nhưng tuyến đường đã bị xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà”, “ổ voi”. Ngoài lý do tuyến đường này thường xuất hiện xe chở đá, theo nhận định do quá trình thi công, đơn vị thi công đã làm ẩu dẫn đến đường vừa mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng.
Cũng trên địa bàn huyện này, đường 15B qua trung tâm 3 xã Kỳ Tân, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp và tuyến đường Nghĩa Phúc - Giai Xuân đã được lập dự án, do UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên dự án đang phải dãn tiến độ. Trong quá trình chờ bố trí nguồn vốn, để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, hàng năm UBND huyện Tân Kỳ đã hỗ trợ kinh phí cho UBND các xã để khắc phục, đảm bảo giao thông trên tuyến. Đầu năm 2016, UBND huyện đã hỗ trợ 360 triệu đồng cho 3 xã Kỳ Tân, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp từ nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông.
Dự án đầu tư xây dựng con đường dài 35 km từ xã Bồng Khê đi Bình Chuẩn, huyện Con Cuông được khởi công từ năm 2006, với tổng số vốn 215 tỉ đồng, do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư. Dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, sau gần 10 năm thi công vẫn chưa hoàn thành. Theo đại diện chủ đầu tư, đến nay đã hết theo kế hoạch, nhưng số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 76.492 triệu đồng. Trong suốt 10 năm qua, người dân nơi đây luôn phải đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy mỗi lần phải lưu thông trên tuyến đường này, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, đó là chưa kể đến việc đường thi công dở dang khiến cho xe chở nguyên liệu không vào được, làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản của bà con.
Cũng trên địa bàn huyện Con Cuông, theo phản ánh, Quốc lộ 7B (cũ) từ thôn Thanh Nam đến thôn Tân Hòa, xã Bồng Khê hiện nay cũng đã hư hỏng nặng. Đoạn đường này thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn cho vùng tả ngạn sông Lam qua các xã Bồng Khê, Chi Khê, Cam Lâm và Lạng Khê, huyện Con Cuông, do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 6276/QĐ.UBND-CN ngày 23/12/2010 với tổng mức đầu tư 446 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch vốn mới bố trí được để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 7 tỉ đồng (đạt 1,6%), còn thiếu 439 tỉ đồng. Do nguồn vốn của dự án khó khăn nên hiện nay dự án chưa triển khai. Do đường xuống cấp, năm 2015, UBND huyện Con Cuông đã phải bố trí kinh phí 80 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện để duy tu, sửa chữa.
Tại huyện Yên Thành, tuyến Quốc lộ 7B (nâng cấp từ ĐT.538) từ Diễn Châu đi Yên Thành đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam ủy thác Sở Giao thông Vận tải quản lý, khai thác, song đã bị hư hỏng. Tương tự, tuyến ĐT.534 đoạn qua các xã Sơn Thành và Bảo Thành, dự án thi công kéo dài hàng năm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhân dân. Tháng 9/2014, dự án nâng cấp ĐT.534 đoạn qua thị tứ xã Sơn Thành đã được khởi công, do UBND xã Sơn Thành làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện được 75% khối lượng theo hợp đồng, nguyên nhân là do nguồn vốn bố trí cho dự án gặp khó khăn.
Thực trạng đường xuống cấp, hoặc khởi công rồi đắp chiếu chờ vốn cũng đang xảy ra tại một số tuyến đường như ĐT.537B đoạn đi qua địa phận huyện Quỳnh Lưu; Quốc lộ 48E đoạn qua xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn; Quốc lộ 48 đoạn đi qua thị xã Thái Hòa; đường từ trung tâm huyện Thanh Chương đến khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ (đoạn từ xã Thanh Liên đến Trại giam số 6); đường Hưng Trung (Hưng Nguyên) đi xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) mới đưa vào sử dụng chưa đầy 3 năm nhưng hiện nay đã xuống cấp trầm trọng; đường giao thông nối Khu di tích cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Khu di tích Kim Liên...
Theo báo cáo của chủ đầu tư (UBND các huyện) và đại diện lãnh đạo Sở GTVT, nhiều tuyến đường thi công dở dang, xuống cấp như trên là đúng thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do không bố trí được nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, việc thi công kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Giải pháp trước mắt là chủ đầu tư và Sở GTVT hỗ trợ, bố trí kinh phí để sửa chữa, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời vá “ổ gà”, sửa chữa mặt đường, đắp đảm bảo giao thông… tại các vị trí mất an toàn giao thông. Cùng với đó, UBND tỉnh hiện đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tìm kiếm, tham mưu để bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện dự án.