Kinh tế xã hội
Nhìn lại 3 năm cải thiện môi trường kinh doanh: Kết quả vẫn kém xa mục tiêu
10:08, 29/12/2016 (GMT+7)
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với nhiều mục tiêu cụ thể, kết quả đạt được vẫn còn kém xa mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đây là thông tin vừa được báo cáo của Chính phủ cho biết.
Nghị quyết 19 (2014) đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 trên 6 chỉ tiêu môi trường kinh doanh. Nghị quyết xác định 7 giải pháp tổng thể cho các bộ, cơ quan địa phương và 50 nhiệm vụ cụ thể.
Trong năm đầu thực hiện, chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, EVN, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và TP Hồ Chí Minh chủ động triển khai các giải pháp theo yêu cầu. Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương khác chưa quan tâm, thậm chí thờ ơ với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết.
Kết quả nổi bật nhất của năm 2014 được đánh giá là việc Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (trong đó tác động trực tiếp tới 2 chỉ số Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư); cải cách chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế; áp dụng hải quan điện tử.
Kết quả cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn kém xa so với mục tiêu. |
Những cải cách này đã góp phần cải thiện đáng kể các chỉ số liên quan và theo đó tăng tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy vậy, đến hết năm 2014, trong số 50 giải pháp cụ thể, chỉ có 8 giải pháp được thực hiện và có kết quả; 16 giải pháp chưa có kết quả rõ ràng; và 25 giải pháp chưa được thực hiện.
Theo đánh giá Doing Business 2016 của World Bank, hầu hết các chỉ tiêu đề ra không đạt được mức trung bình của các nước ASEAN 6, mặc dù các chỉ số đều có sự cải thiện.
Nghị quyết 19 (2015) đặt mục tiêu đến hết năm 2016 đạt mức trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu theo Doing Business. Qua năm này, tình hình có khá hơn, khi đa số các bộ, cơ quan, địa phương đều ban hành kế hoạch hành động, nhưng nhiều nơi thực hiện lại chỉ mang tính hình thức.
Chỉ có một số ít kế hoạch hành động của các bộ, cơ quan, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước, EVN, VCCI và các địa phương gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, An Giang, Hà Giang,... được xây dựng theo đúng phương pháp, đáp ứng yêu cầu.
Trong số 73 giải pháp cụ thể, đến hết năm 2016, có 43,8% giải pháp thực hiện có kết quả, 23,3% chưa có kết quả rõ ràng và 32,9% chưa thực hiện hoặc chưa có thông tin.
Theo đánh giá của World Bank trong Doing Business 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc: từ vị trí 91/189 lên 82/190. Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.
Việt Nam có 5/10 chỉ số tăng hạng, trong đó, bảo vệ nhà đầu tư tăng hạng nhiều nhất với 31 bậc. Tuy vậy, 5 chỉ số khác lại giảm, trong đó, chỉ số đáng lo ngại là Khởi sự kinh doanh giảm 10 bậc và ở thứ hạng thấp (từ vị trí 111 xuống vị trí 121), và là chỉ số có mức giảm bậc nhiều nhất.
Các chỉ số giảm một mặt là do Việt Nam không có cải cách nào, hoặc quá trình thực thi gây khó khăn cho doanh nghiệp, mặt khác là do các nền kinh tế khác có sự cải thiện tốt hơn.
Mặc dù đã có cải thiện đáng kể, nhưng hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đạt được trung bình của các nước ASEAN 4, thậm chí là cả trung bình ASEAN 6. Một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện nhiều cải cách và tiến nhanh hơn Việt Nam, điển hình là Indonesia tăng 15 bậc và Brunei tăng 25 bậc.
Ngoài ra, theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới thì năm nay thứ hạng của Việt Nam là 60/138, giảm 4 bậc so với năm ngoái. Thứ hạng này thấp hơn hầu hết các nước ASEAN, chỉ đứng trên Lào và Campuchia.
Nghị quyết 19 (2016) duy trì mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 đến hết năm 2016, giữ mục tiêu này cho năm 2017 và đặt mục tiêu đạt trung bình ASEAN 3 đến năm 2020.
Đến tháng 12 này, kết quả cho thấy trong số 83 giải pháp cụ thể, có 35 giải pháp được thực hiện và có kết quả; 19 giải pháp chưa có kết quả rõ ràng; và 29 giải pháp chưa được thực hiện. Vẫn còn khoảng cách khá xa giữa mục tiêu và kết quả thực thi Nghị quyết.
Trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết số 19 (năm 2014, 2015 và 2016).
3 Nghị quyết 19 xác định mục tiêu trên cơ sở tham khảo 10 chỉ số đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới và một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới; vừa xác định mục tiêu ngắn hạn (hằng năm) và mục tiêu dài hạn (đến 2020).
Nghị quyết đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, cơ quan, địa phương gắn với từng chỉ tiêu cụ thể, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển mạnh cơ chế quản lý sang hậu kiểm...
Nguồn: Báo CAND