(Congannghean.vn)-Việt Nam đang chuyển mình rất nhanh trên con đường hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Hòa chung dòng chảy đó, trong nhiều năm qua, từ mảnh đất Nghệ An, đã có nhiều người con xa quê hương lập nghiệp và từng bước khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, những biện pháp khuyến khích, chính sách ưu đãi của Nhà nước ngày càng thông thoáng đã và đang thu hút kiều bào trở về quê hương sinh sống, đầu tư, trong đó có nhiều kiều bào quê xứ Nghệ.
Khu du lịch Bãi Lữ được đầu tư xây dựng từ nguồn kiều hối tạo thêm sự lựa chọn trong nghỉ dưỡng cho du khách và người dân địa phương |
Hiện nay, lao động Nghệ An ở nước ngoài chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số lao động ở nước ngoài của Việt Nam với khoảng trên 50.000 người, lượng kiều hối chuyển về nước của kiều bào quê Nghệ An cũng xấp xỉ gần 300 triệu USD/năm, là một trong những địa phương có lượng kiều hối lớn nhất cả nước.
Trên cơ sở đó, nhiều dự án lớn đã tận dụng khai thác hiệu quả nguồn kiều hối như: Dự án Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân tại TX Cửa Lò với tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng; Khu du lịch Bãi Lữ tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc do Công ty CP đầu tư kinh doanh Bãi Lữ làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 770 tỉ đồng; Khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp VICENTRA do Công ty CP Đầu tư Trung tâm Thương mại Vinh làm chủ đầu tư…
Nhìn chung, các dự án đi vào hoạt động đã triển khai khá hiệu quả, góp phần chỉnh trang đô thị và thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ của TP Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung; đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Những dự án trên đã nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện rất cao của các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An cũng như nhận được sự đồng thuận và cảm kích rất lớn của người dân địa phương.
Số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho thấy, hiện có gần 5 triệu người Việt Nam cư trú tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm 1993 - 2014, Việt Nam nhận tổng cộng 96,66 tỉ USD kiều hối, chiếm 6,8% GDP trong thời kỳ này. |
Trong nhiều năm qua, lãnh đạo các cấp luôn khẳng định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc, được Nhà nước đối xử bình đẳng như công dân Việt Nam sống ở trong nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam cũng như chính sách mở rộng, thu hút đầu tư của Nghệ An.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu trong thời gian trước, nguồn kiều hối tập trung vào việc dự trữ vàng, mua sắm, thì trong nhiều năm trở lại đây, đã tập trung đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của nguồn nhân lực, nguồn kiều hối gửi về vẫn chưa tương xứng, số dự án còn ít và các ngành, các cấp chưa có kế hoạch dài hạn để khai thác hiệu quả hơn. Vì thế, để tận dụng tối đa nguồn kiều hối này, Nhà nước cần thực thi các chính sách định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất như công nghệ, giáo dục… nhằm tạo sự phát triển bền vững cho đất nước.
Chính phủ cũng cần phải xây dựng chính sách định hướng đầu tư, trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình đầu tư, thị trường, các ngành nghề trọng điểm cần vốn cũng như các chính sách ưu đãi để kiều bào có thể lựa chọn các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, lượng kiều hối về Nghệ An trong năm 2015 là 200 triệu USD và của 9 tháng đầu 2016 là 171 triệu USD, ước năm 2016 đạt 235 triệu USD.
Tuy nhiên, ngoài mong muốn và tiềm lực sẵn có của nhà đầu tư, chính Nghệ An cũng phải chủ động tạo ra những hấp lực mới để thu hút nguồn kiều hối trong khai thác, đầu tư. Chính sách cởi mở, thông thoáng, tránh thủ tục rườm rà; môi trường minh bạch, chính sách thống nhất, ít bị thay đổi đột ngột… là mong muốn của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, theo ý kiến các chuyên gia, hiện các văn bản pháp luật còn chung chung với đầu tư nước ngoài, vì thế nên hướng kiều hối với đầu tư công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, bởi Việt kiều thường có lợi thế về lĩnh vực này. Việc thành lập quỹ kiều hối cũng là yêu cầu cần thiết để tận dụng và khai thác tối đa nguồn tiềm năng này.