Kinh tế xã hội

Năng lượng mặt trời – Hướng phát triển mới tại Việt Nam

15:29, 26/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trong khi các dự án nguồn thủy điện lớn đã được khai thác tối đa, các dự án nhiệt điện than phải đối mặt với áp lực về môi trường thì việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, đang là hướng đi mới tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nước ta là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới.

Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm.

Các tấm panel thu năng lượng mặt trời đã được sử dụng ở nhiều hòn đảo của nước ta.
Các tấm panel thu năng lượng mặt trời đã được sử dụng ở nhiều hòn đảo của nước ta.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam), dù tiềm năng rất lớn nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn chưa đáng kể. Hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ ở quy mô nhỏ.

Dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên là Nhà máy quang năng An Hội (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự án được triển khai từ giữa tháng 3/2014 và hoàn thành việc xây dựng lắp đặt và đấu nối vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo vào đầu tháng 12/2014 với công suất 36 kWp, điện lượng hơn 50 MWh.

Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cũng cho biết đến nay, dự án điện mặt trời Quảng Ngãi nối lưới là dự án đầu tiên có quy mô tương đối lớn đã cơ bản hoàn thành xây dựng.

Tuy nhiên, trong dài hạn chúng ta cần phải có chiến lược và giải pháp tổng thể để thúc đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sạch này tại Việt Nam.

Ngày 19/8/2016, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát triển điện mặt trời tại Việt nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao cho các bộ ngành hữu quan xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời như biểu giá điện kèm các ưu đãi về thuế.

Trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) cũng nêu rõ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời bao gồm cả nguồn năng lượng tập trung lắp đặt trên mặt đất và các nguồn riêng lẻ lắp đặt trên nóc nhà.

Mục tiêu nhằm góp phần nâng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể như hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW đến năm 2030.

Như vậy, theo lộ trình này, từ nay đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải xây dựng các dự án điện mặt trời với công suất hơn 200 MW; từ năm 2020 - 2025, mỗi năm phải lắp đặt hơn 600 MW và 5 năm tiếp theo, mỗi năm phải lắp đặt 1.600 MW mới đạt kế hoạch đề ra.

Hiện nay cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời có công suất từ 20 đến trên 300 MW tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung. Trong đó đáng chú ý là 2 dự án của Công ty Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (tại tỉnh Quảng Ngãi và Ninh Thuận) và dự án Tuy Phong do Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc) đầu tư với quy mô 66 triệu USD, công suất 30 MW tại tỉnh Bình Thuận.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang dự định triển khai nghiên cứu phát triển 2 dự án trên đất liền tại thủy điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) và dự án nổi trên mặt nước tại hồ thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận).

Ngoài ra EVN cũng vừa đề xuất với tỉnh Ninh Thuận về việc đầu tư dự án điện mặt trời với  tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, công suất 200 MW trên diện tích 400 ha tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Dự kiến dự án này sẽ được tiến hành khởi công trong năm 2018.

Tại hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 21/9 vừa qua, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng thách thức lớn nhất đối với việc phát triển điện mặt trời tại Việt Nam là biểu giá điện hiện hành chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; suất đầu tư hiện nay còn rất cao trong khi Chính phủ chưa ban hành giá bán điện mặt trời. Cùng với đó nhà đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo mà phải dùng nguồn vốn trong nước, đa phần các thiết bị đều phải nhập khẩu vì vậy giá thành của một đơn vị sản phẩm cao.

Ông Diệp Bảo Cánh (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng Mặt trời Đỏ) cho rằng thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đang rất hấp dẫn. Giá thiết bị điện mặt trời đang ngày càng rẻ (cách đây 5 năm, giá tấm pin điện mặt trời từ 3-4 USD/Wp thì đến nay chỉ còn khoảng 0,5 USD/Wp).

Từ thực tế này ông Diệp Bảo Cánh kiến nghị ngoài đáp ứng về nguồn nhân lực, Nhà nước cũng cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn (ví dụ như tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ…) để giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm chất lượng. Chính phủ cũng nên sớm ban hành giá mua điện lên lưới từ nguồn năng lượng mặt trời.

Theo ông Lê Vĩnh Sơn (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà), cấp thẩm quyền trước hết cần xây dựng và công bố quy hoạch phát triển điện mặt trời. Sau đó sớm công bố giá mua bán điện mặt trời hợp lý và cơ chế hòa lưới điện quốc gia; ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng và thực hiện thử nghiệm chất lượng để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác