Kinh tế xã hội
Giảm nghèo bền vững: Phát huy khả năng tự lực của người dân
10:15, 23/11/2016 (GMT+7)
Cộng đồng dân tộc thiểu số là các đối tác trong giảm nghèo, chứ không phải là người hưởng lợi một cách thụ động. Cơ chế hỗ trợ tài chính được giao trọn gói cho xã, cộng đồng và được thể chế hóa thành chính sách giảm nghèo ở cấp quốc gia.
Đây là kết quả của dự án “Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững (2011-2020) và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững 2012-2016 (PRPP)" do Bộ LĐTB&XH triển khai. Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện dự án được tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội.
Dự án PRPP được triển khai tại 8 tỉnh gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh. Một trong những điểm nổi bật của dự án PRPP là xây dựng mô hình giảm nghèo tại các địa phương với phương châm người dân là đối tác trong giảm nghèo, chứ không phải là người hưởng lợi một cách thụ động. Họ tự lập kế hoạch, tự quyết định lựa chọn cây, con giống thích hợp với gia đình để giảm nghèo.
Tại 8 tỉnh, PRPP đã tập trung hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV) giai đoạn 2012-2015, thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người nghèo; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sáng tạo, mô hình trọn gói trong giảm nghèo, phát huy vai trò cộng đồng, tự lực, tự cường của người dân khi triển khai các hoạt động giảm nghèo trong CTMTQGGNBV, cũng như các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Dự án cũng đã xây dựng và lồng ghép kế hoạch giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở đó tổng hợp các cách làm hay, đúc rút thành các bài học kinh nghiệm nhân rộng áp dụng tại địa phương cũng như cả nước và đặc biệt cung cấp các minh chứng thực tế cho các cơ quan Trung ương nghiên cứu ban hành chính sách và xây dựng, thực hiện hiệu quả CTMTQGGNBV.
Nhiều đổi mới trong giảm nghèo bền vững
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm, điểm đặc biệt là PRPP coi cộng đồng nghèo, cộng đồng dân tộc thiểu số là các đối tác trong giảm nghèo, chứ không phải là người hưởng lợi một cách thụ động.
Lần đầu tiên trong giảm nghèo, cơ chế hỗ trợ tài chính trọn gói cho xã và cộng đồng được thể chế hóa thành chiến lược và chính sách giảm nghèo ở cấp quốc gia. Các mô hình sáng tạo trong giảm nghèo, như phát huy nội lực của cộng đồng, trao quyền cho phụ nữ, mô hình tạo việc làm công cho người nghèo… được tài liệu hóa và chính thức được phê duyệt trong Khung thiết kế của CTMTQGGNBV giai đoạn 2016-2020. Xã và cộng đồng được phân bổ ngân sách trung hạn (3-5 năm) và lập kế hoạch trung hạn (3-5 năm) trong giảm nghèo (cho giai đoạn 2016-2020).
Chương trình giảm nghèo cũng chú trọng phát huy kiến thức bản địa, bảo đảm tính phù hợp của hoạt động giảm nghèo với điều kiện địa phương, với phong tục tập quán của người dân, cộng đồng các người dân tộc thiểu số, được giới thiệu, hướng dẫn và lồng ghép trong các chính sách, chiến lược giảm nghèo ở cấp quốc gia.
Một điểm đáng chú ý là vấn đề giới/phát triển phụ nữ đã được lồng ghép cụ thể và nêu rõ trong chiến lược giảm nghèo và phát triển bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số. Phụ nữ đã được ghi nhận rõ là một trong các đối tượng hưởng lợi của CTMTQGGNBV, giai đoạn 2016-2020 và lần đầu tiên, chỉ tiêu “nâng cao vị thế của phụ nữ” được đưa vào bộ chỉ tiêu về Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ gắn với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cho cộng đồng dân tộc thiểu số đến năm 2025.
Đây cũng là lần đầu tiên “nghèo đa chiều” được giới thiệu, hoàn thiện phương pháp luận và thể chế hóa thành phương pháp đo lường nghèo chính thức, làm cơ sở định hướng chiến lược và chính sách can thiệp cụ thể ở cấp quốc gia, với sự thống nhất cao của cả Quốc hội và Chính phủ (Quyết định 1614).
Nguồn: Chinhphu.vn