Xây dựng nông thôn mới
Nông thôn mới và món nợ treo trên đầu dân
(Congannghean.vn)-Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành vì chạy theo xây dựng cơ bản, vì trông chờ vào vốn Nhà nước đã ứng trước tiền của các công ty, dự án đến 15.000 tỉ đồng. Trong khi ngân sách Nhà nước đã quá tải, nợ công đã chạm trần, sức dân nhiều nơi huy động đã quá tải. Không ít cụm dân cư đang phải vật lộn với cuộc sống khó khăn, nhưng vì cộng đồng họ cố gắng vay mượn để đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Để có đường giao thông này, mỗi hộ dân ở đây phải đóng góp hơn 6 triệu đồng |
Không ít tỉnh, thành thực tại rất khó khăn, nhưng muốn đi tắt, đón đầu bằng xây dựng một số mô hình có các công trình cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm… cùng một lúc trên nhiều địa phương, là cái không tưởng. Hiện nay, có hàng chục công trình như trường học làm xong mà không có học sinh đến học, nhà máy nước làm xong không hoạt động, công trình nước tự chảy không có nước, chợ xây xong không có người đến mua bán, nhà sinh hoạt cộng đồng làm xong để trâu bò vào… ngủ, cỏ mọc hoang tàn...
Có địa phương có 2 - 3 phòng họp xây gần nhau, cái của xã, cái của thôn mà không biết dùng phối hợp… Có biết bao công trình công cộng như thế ở nhiều địa phương cả miền xuôi lẫn miền ngược đang bị hoang phí.
Điểm chung là trong việc xây dựng các công trình này ít có sự tham gia ý kiến của người dân, nếu có cũng chỉ là tham gia đóng góp ngày công và tiền của xây dựng, còn ít được bàn, càng không có quyền quyết định nên hay không nên xây dựng. Một số huyện miền núi vì thành tích chạy theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ban đầu là vận động nhân dân góp tiền, góp công, nguyên vật liệu như cát, sỏi, hiến đất, hiến cây, tự phá bỏ bờ rào... để xây dựng đường giao thông kiên cố, nhưng đường làm xong “thả rông” không có hàng hóa để vận chuyển.
Để xây dựng nông thôn mới, một số huyện đã kêu gọi, ủng hộ nhưng thực tế là ra chỉ tiêu bắt mỗi cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiêp phải đóng góp 1 - 2 ngày lương để ủng hộ xã nọ, bản kia hoàn thành mục tiêu nông thôn mới. Nhiều cơ quan, đơn vị phải góp một công trình hoặc vật chất lớn cho xây dựng nông thôn mới.
Để xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đang phải chịu nợ hàng trăm nghìn tấn xi măng của các nhà máy xi măng, đây là món nợ không nhỏ mà người dân phải trả trong nay mai. Không ít nhà máy vì món nợ khó đòi này khiến cho cuộc sống của công nhân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Sinh thời Bác Hồ có dạy: “Khoan thư sức dân là kế bền gốc, sâu rễ”. Việc xây dựng nông thôn mới, tạo kết cấu hạ tầng vững chắc là chủ trương không sai, nhưng nếu không dựa vào sức dân và không hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế của dân ở từng địa phương, cứ chạy theo phong trào làm kiệt sức dân là rất không nên, nhất là ở nông thôn miền núi...
Phùng Văn Mùi