Kinh tế xã hội

Huy động nguồn lực xã hội vào tái cơ cấu kinh tế

14:44, 03/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Ngày 2/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017.

Về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đa số ý kiến phát biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ, các nội dung được chuẩn bị công phu, nghiêm túc thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn mới. Đồng thời, các ý kiến cũng tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trong đó nhấn mạnh cần thiết rà soát các chỉ tiêu, nội dung và nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 để bảo đảm nguồn lực, tính khả thi trong thực hiện. 

Đại biểu Phùng Văn Hùng: nguồn lực của xã hội thì cực kỳ lớn nếu được tham gia vào quá trình tái cơ cấu
Đại biểu Phùng Văn Hùng: nguồn lực của xã hội thì cực kỳ lớn nếu được tham gia vào quá trình tái cơ cấu

Theo các đại biểu, qua hơn 5 năm thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế đã có những đóng góp tích cực, giúp kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn, đứng trên bờ vực suy thoái. Việc chọn 3 khâu đột phá là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu có ý nghĩa vô cùng quan trọng và đều đạt được những kết quả tích cực. Những kết quả đạt được là tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu. Mặc dù vậy, tái cơ cấu vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra, còn nhiều yếu kém, hạn chế.

Huy động nguồn lực xã hội vào tái cơ cấu kinh tế

Bên cạnh những nguyên nhân được chỉ ra trong đánh giá của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, theo đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng- tỉnh Cao Bằng vấn đề nhận thức, việc chưa coi trọng, chưa thu hút được sự tham gia của cả xã hội, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào tái cơ cấu và công tác tổ chức thực hiện cũng là những vấn đế ảnh hưởng đến kết quả thực hiện tái cơ cấu.

Khẳng định thu hút được sự tham gia của cả xã hội, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công của tái cơ cấu, đại biểu Phùng Văn Hùng cho biết thời gian qua mới chỉ có nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước tham gia vào tái cơ cấu là chủ yếu. Trong khi đó, nguồn lực nhà nước thì có hạn, nguồn lực của xã hội thì cực kỳ lớn nếu được tham gia vào quá trình tái cơ cấu chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.

Trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016- 2020 Chính phủ dự kiến cần một nguồn lực tái cơ cấu lên đến trên 10,5 triệu tỷ đồng, một con số không nhỏ, nếu không có sự tham gia của khối kinh tế ngoài nhà nước thì hiệu quả và tính khả thi của tái cơ cấu sẽ không cao.

Bên cạnh tái cơ cấu dựa trên hai trụ cột là đẩy mạnh quản lý nhà nước và tái cơ cấu ngành kinh tế, vùng kinh tế như kế hoạch đề ra, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc- Tp.Hồ Chí Minh đề nghị góp thêm trụ cột thứ ba là xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, là chủ lực, nòng cốt trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Về trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu cũng đề nghị ngoài việc sáng tạo, khởi nghiệp hoặc hình thành nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ dự kiến năm 2020 có 1.000.000 doanh nghiệp, Chính phủ nên ủng hộ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có thể đảm bảo uy tín, thương hiệu, quy mô và thị phần, khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Có cùng quan tâm về việc huy động nguồn lực trong nhân dân để phát triển kinh tế, đại biểu Quốc hôi Lê Quân- TP. Hà Nội cho rằng khi lựa chọn phương án tái cơ cấu cần phải chỉ rõ ba khâu rất quan trọng để giúp giải phóng nguồn lực trong dân. Đó là, cần cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết liên quan đến an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh phúc lợi. Để đảm bảo hiệu quả đồng vốn thu được, một mặt chúng ta thoái vốn để tạo điều kiện cho vốn tư nhân thay thế, một mặt khác Chính phủ nên ưu tiên dùng tiền đó cho đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực là một trong hai khâu trọng tâm đột phá trong nhiệm kỳ.

Đại biểu Lê Quân: Chính phủ nên mạnh dạn đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp - Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Lê Quân: Chính phủ nên mạnh dạn đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp - Ảnh: Đình Nam

Sử dụng hiệu quả vốn thu được sau cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước

Theo đại biểu Lê Quân, Chính phủ nên mạnh dạn đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp. Những đơn vị hoạt động tốt, có cơ chế quản lý tốt, có tiềm lực thì có thể giao tự chủ để phát triển và tiếp tục được đầu tư. Các đơn vị khác hoạt động có chức năng chồng chéo, kém hiệu quả, nguồn thu dựa chủ yếu vào cho thuê tài sản công thì nên cổ phần hóa, thu hút các nhà đầu tư tư nhân và tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân có cơ hội để đầu tư và xuống vốn trong các khu vực này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, giúp nhanh chóng thu hút vốn xã hội vào cung ứng dịch vụ công, tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao...

Về sử dụng và phân bổ nguồn ngân sách từ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, theo đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn- Tp.Hồ Chí Minh cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch sang khu vực dân doanh nhưng vấn đề tái cấu trúc thông qua các hình thức cổ phần hóa và thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước còn chậm, ảnh hưởng chung. Nguồn vốn nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp chưa được thể hiện rõ trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực. Đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, nguồn lực nhà nước sau cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp do địa phương quản lý cần được phân cấp cho địa phương để sử dụng, phân bổ và phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ tái cơ cấu kinh tế địa phương.

Đại biểu Phạm Phú Quốc phát biểu tai Hội trường
Đại biểu Phạm Phú Quốc phát biểu tai Hội trường

Đại biểu Phạm Phú Quốc- Tp.Hồ Chí Minh đề nghị sớm hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước về kinh tế, chức năng chủ sở hữu. Bên cạnh đó, có nhiều địa phương có doanh nghiệp nhà nước, đây là nguồn ngân sách, cánh tay nối dài của ngân sách địa phương thì cũng nên hình thành các doanh nghiệp tại địa phương có chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước, có chức năng đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp để song hành cùng các tổ chức của Trung ương.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Các tin khác