Kinh tế xã hội

Xung quanh việc công bố nước mắm có chứa thạch tín

Cần minh bạch thông tin, sớm ổn định thị trường

16:28, 28/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Từ thông cáo báo chí nước mắm có chứa thạch tín (arsen)

Ngày 17/10, Vinatas (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) bất ngờ ra thông cáo báo chí công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm. Theo thông cáo này, đã có 101 mẫu nước mắm (tức 67%) có nồng độ thạch tín (arsen) cao hơn 1 mg/l, nồng độ an toàn mà theo Vinatas là Bộ Y tế xác lập. Công bố này đã  thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là những người tiêu dùng vốn tin chọn nước mắm truyền thống trong mỗi bữa ăn. Vinatas còn nhấn mạnh các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, một phương thức nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống.

Người tiêu dùng vẫn tin tưởng chọn lựa nước mắm truyền thống
Người tiêu dùng vẫn tin tưởng chọn lựa nước mắm truyền thống

Cần biết, QCVN 8-2:2011/BYT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm được ban hành theo Thông tư 02/2011/TT/BYT ngày 13/1/2011 của Bộ Y tế. Quy chuẩn này giới hạn lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận tạm thời tính theo mg/kg thể trọng đối với 6 thứ kim loại nặng, trong đó có arsen nhưng ghi rõ là tính theo arsen vô cơ. Như vậy, quy chuẩn chỉ quy định giới hạn về arsen vô cơ, không có quy định về arsen hữu cơ hay arsen tổng như Vinatas tự đặt ra.

Arsen vô cơ mới độc hại, còn arsen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không độc hại đối với con người. Kết quả khảo sát của Vinatas về thạch tín trong nước mắm, nếu công bố một cách trung thực thì phải công bố các mẫu nước mắm được khảo sát không nhiễm thạch tín theo QCVN 8-2:2011/BYT mới chính xác, nhưng Vinatas lại không làm như vậy.

Ai cũng biết thạch tín là chất cực độc, thường được sử dụng làm thuốc diệt chuột, nên sự sợ hãi, hoang mang đối với nước mắm bao trùm lên người tiêu dùng. Ngành sản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

Trên địa bàn Nghệ An, hiện nay có 4 công ty sản xuất nước mắm lớn: Công ty CP Thủy sản Vạn Phần - Diễn Châu, Công ty CP Thủy sản Nghệ An, Công ty CP Thủy sản Quỳnh Lưu, Công ty CP chế biến thủy sản và dịch vụ Cửa Hội. Ngoài ra, còn có hàng chục làng nghề chuyên sản xuất nước mắm: Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu); Phú Lợi (Quỳnh Dị, Hoàng Mai); Diễn Ngọc, Diễn Bích (Diễn Châu) và nhiều cơ sở sản xuất nước mắm gia truyền tại các địa phương.

Từ trước đến nay, nghề sản xuất nước mắm truyền thống đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho rất nhiều người dân. Việc tiêu thụ cá trong quá trình sản xuất vừa tạo động lực để hỗ trợ ngư dân bám biển vươn khơi trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, vừa góp phần xây dựng thương hiệu nước mắm Nghệ An trên thị trường trong nước và quốc tế. Và trên thực tế, với hương vị đậm đà, đặc trưng, dù sản phẩm nước mắm công nghiệp đã xâm nhập thị trường với những quảng cáo rất bắt mắt nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn tin tưởng và lựa chọn các thương hiệu nước mắm truyền thống.

Ông Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty nước mắm Vạn Phần:

Ông Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty nước mắm Vạn Phần:

"Tại một số đại lý, cửa hàng, xuất hiện rất nhiều tờ rơi với nội dung quảng cáo cho những thương hiệu nước mắm công nghiệp không chứa chất thạch tín. Rất nhiều khách hàng gọi điện liên tục, hỏi tôi về việc có giấu thông tin hay không? Sản phẩm có an toàn hay không. Tôi đã giải thích, phân trần nhưng nhiều người vẫn không tin. Sản phẩm chúng tôi đã có truyền thống bao nhiêu năm, đã xuất khẩu sang các thị trường khác, làm sao mà nguy hiểm được”

Ông Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty nước mắm Vạn Phần cho biết: Năm 2017, Công ty sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Hiện nay, về hệ thống phân phối, 70% sản phẩm nước mắm Vạn Phần là tại Nghệ An, 25% tại các tỉnh, thành khác trong cả nước và 5% tiêu thụ ở một số quốc gia trong khu vực. Nước mắm Vạn Phần hiện đang có mặt tại tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Tại TP Vinh, ngoài xuất hiện tại các siêu thị lớn như Intimex, Maximark, nhiều cửa hàng phân phối thực phẩm sạch cũng đã chọn lựa nước mắm Vạn Phần để giới thiệu đến người tiêu dùng.

Chia sẻ về thông tin nước mắm truyền thống có chứa chất thạch tín (arsen), ông Đại cho biết, trên thực tế, nước mắm Vạn Phần không có trong danh sách 101 thương hiệu nước mắm mà Vinatas công bố. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nhiều chiều và sự tác động của các phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh của Công ty cũng bị ảnh hưởng.

Từ ngày 17/10 (ngày xuất hiện thông tin nước mắm truyền thống có chứa chất thạch tín (arsen) gây nguy hiểm sức khỏe) đến 23/10, các khách hàng cũ từng ký hợp đồng với Công ty đã dừng lại các hoạt động thương thảo, ký kết. Còn những đối tác mới lại do dự trong việc mua, nhập các sản phẩm nước mắm Vạn Phần.

Minh bạch thông tin để đảm bảo thương hiệu nước mắm truyền thống và giúp ngư dân vươn khơi bám biển (Trong ảnh Người dân phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai bao đời nay vẫn sống nhờ vào nghề làm nước mắm truyền thống) - Ảnh: Ngọc Thái
Minh bạch thông tin để đảm bảo thương hiệu nước mắm truyền thống và giúp ngư dân vươn khơi bám biển (Trong ảnh: Người dân phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai bao đời nay vẫn sống nhờ vào nghề làm nước mắm truyền thống) - Ảnh: Ngọc Thái

Cần minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi người sản xuất

Trước nhiều luồng thông tin, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Theo đó, sáng 22/10, Bộ Y tế đã khẳng định 100% các mẫu nước mắm an toàn vì không có arsen vô cơ vượt ngưỡng, trái ngược hoàn toàn với kết quả nước mắm nhiễm arsen do Vinatas công bố.

Theo đó, các đoàn liên ngành đã kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh nước mắm tại 5 tỉnh, thành phố, đồng thời lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp) trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm. Kết quả, không phát hiện mẫu nước mắm nào chỉ được sản xuất từ nước và hóa chất. Kiểm nghiệm thành phần arsen đối với 247 mẫu nước mắm (100% mẫu) đều không phát hiện arsen vô cơ (arsen độc hại) vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng khẳng định các thông tin nước mắm là nước pha hóa chất, nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho arsen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nước mắm, kể cả nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống và công nghiệp.

Trong diễn biến mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Vinatas, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/11.

Công ty Vạn Phần vận chuyển sản phẩm nước mắm truyền thống đến các đại lí
Dù thông tin còn mập mờ nhưng các sản phẩm nước mắm đã gây dựng được thương hiệu vẫn được người dân tin dùng. (Trong ảnh: Công ty Vạn Phần, Diễn Châu, Nghệ An vận chuyển sản phẩm nước mắm truyền thống đến các đại lí)

Nội dung kiểm tra là làm rõ tính chất, cơ sở pháp lý tiến hành hoạt động khảo sát, công bố kết quả khảo sát của Vinatas; xác định mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động khảo sát và công bố kết quả khảo sát của Vinatas (nếu có); xác định rõ việc nhận tài trợ từ doanh nghiệp hoặc tổ chức kỹ thuật, khoa học của Vinatas trong việc tiến hành các hoạt động khảo sát trong thời gian vừa qua.

Đảng, Chính phủ đang nỗ lực tìm mọi cách hỗ trợ ngư dân bám biển vươn khơi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân miền Trung vực dậy sau khó khăn từ sự cố môi trường Formosa. Các cấp, các ngành cũng đang chung tay cùng người dân xây dựng và phát triển những thương hiệu truyền thống, vốn đã góp phần hình thành nên văn hóa từ bao đời nay của dân tộc trước sự tấn công của các thương hiệu sản phẩm công nghiệp.

Minh bạch trong thông tin, sớm ổn định thị trường là mong muốn rất chính đáng của người sản xuất nước mắm truyền thống, những người bao năm nay đã thầm lặng từng bước xây dựng các sản phẩm đậm đà bản sắc quê hương.

Mai Hậu - Ngọc Thái

Các tin khác