Kinh tế xã hội

Thiếu trang bị bảo hộ lao động

Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

09:11, 26/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) phòng, chống cháy nổ tại các khu công nghiệp của tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, doanh nghiệp (DN) hưởng ứng nhằm đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) trong quá trình làm việc, đảm bảo tài sản, sự ổn định, phát triển của DN. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ), cháy nổ tại các công ty, DN. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn chính là việc DN chưa chú trọng tới việc trang bị bảo hộ, thiết bị an toàn cho người lao động (NLĐ).

Việc trang bị bảo hộ cho người lao động cần được quan tâm đúng mức
Việc trang bị bảo hộ cho người lao động cần được quan tâm đúng mức

Theo quy định của Pháp lệnh bảo hộ lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh và không ngừng cải thiện điều kiện lao động của NLĐ. Đồng thời, quy định trách nhiệm của NLĐ trong việc trang bị thiết bị an toàn để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân: Mọi người lao động có quyền được đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh và có nghĩa vụ thực hiện những quy định về ATLĐ, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, những vụ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của chủ sử dụng lao động lẫn NLĐ vẫn còn xảy ra.

Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ là do chủ sử dụng chưa huấn luyện đầy đủ về ATLĐ, trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ, chưa hướng dẫn, giám sát quy trình sản xuất. Ngoài ra, cũng có yếu tố khách quan hoặc sự bất cẩn của NLĐ. Hiện nay, phần lớn lao động làm việc tại các DN là lao động nông nhàn, thời vụ, không được trang bị kiến thức cơ bản về ATVSLĐ.

Thêm vào đó, ở một số nơi chưa thành lập được bộ phận làm công tác bảo hộ lao động, do đó khi xảy ra sự việc gặp nhiều khó khăn trong khâu giải quyết. Bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, công tác đảm bảo ATVSLĐ trong các DN đã được chú trọng. Phần lớn các DN đều tuân thủ các quy định về công tác bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, khắc phục các nguy cơ về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, chăm sóc sức khoẻ cho NLĐ.

Việc bảo hộ cho NLĐ không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích của đơn vị, DN sử dụng lao động. Mỗi DN, đơn vị sử dụng lao động cần thiết phải thực hiện và hiểu biết về bảo hộ lao động để cung cấp thông tin cho NLĐ.

Tùy thuộc vào từng ngành nghề lao động mà sẽ có những trang bị về thiết bị bảo hộ lao động khác nhau. Thiết bị bảo vệ an toàn cho NLĐ khá đa dạng như: Quần áo bảo hộ lao động, quần áo chống cháy, kính bảo hộ, găng tay cách điện, các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, bảng hiệu an toàn, bảng chỉ dẫn...

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lao động thường cho rằng, sử dụng trang bị bảo hộ lao động gây khó khăn trong di chuyển hoặc làm việc không được nhanh nên không sử dụng. Trong khi đó, cán bộ chỉ huy tại công trình cũng làm lơ hoặc chưa chú tâm, quán triệt công tác ATVSLĐ, nhắc nhở hoặc đình chỉ công nhân nếu không sử dụng trang bị bảo hộ lao động cá nhân.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tại Nghệ An đã có 8 vụ TNLĐ xảy ra làm 20 người chết và bị thương nặng, gây thiệt hại 1 tỉ 150 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thiết bị không đảm bảo an toàn và không có phương tiện bảo vệ cá nhân. Lĩnh vực thường xảy ra tai nạn thường là cưa xẻ, bào gỗ, bảo quản gỗ.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, các DN đang tìm mọi cách để cắt giảm chi tiêu, đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến công tác trang bị bảo hộ lao động vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Có những DN xây dựng, đặc biệt là các DN ngoài Nhà nước đã tìm cách giảm bớt chi phí quản lý, chi phí mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, dẫn tới tình trạng công nhân thiếu đồ bảo hộ hoặc không giám sát chặt chẽ từ khâu tuyển dụng đến thi công là những nguyên nhân chính dẫn đến TNLĐ. Để “lách luật”, có những DN còn khoán chi phí mua bảo hộ cho NLĐ. Trong khi NLĐ, vì muốn tiết kiệm, lại chưa ý thức vai trò quan trọng của đồ bảo hộ nên thường “bỏ qua” hoặc cố tình không chịu mua.

Theo khảo sát của phóng viên, trong mấy năm trở lại đây, trên địa bàn TP Vinh nói riêng và Nghệ An nói chung, thị trường đồ bảo hộ lao động đã bắt đầu sôi động.

Ngoài các tuyến đường chính tập trung nhiều cửa hàng bảo hộ lao động như Lê Lợi, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng… thì tại các chợ đầu mối đã xuất hiện nhiều cửa hàng bán lẻ một số thiết bị chuyên dùng cho NLĐ. Như tại Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bảo hộ lao động Thủy Tú, mặt hàng khá đa dạng. Thời gian gần đây, hàng nội địa đã bắt đầu xuất hiện và cạnh tranh với hàng xuất xứ từ Trung Quốc vốn có ưu điểm giá rẻ. Nơi sản xuất tập trung từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nam Định… Là cửa hàng đầu mối cung ứng các sản phẩm bảo hộ lao động nên hầu như lĩnh vực nào, từ xây dựng đến nông nghiệp, làm rừng đều trang bị đầy đủ.

Tuy nhiên, tại các huyện, hoặc cơ sở bán bảo hộ lao động lẻ ở chợ, mặt hàng bảo hộ lao động chủ yếu vẫn là các sản phẩm được nhập từ Trung Quốc, hàng sản xuất Việt Nam rất ít. Đa phần là các sản phẩm dành cho ngành công nghiệp, xây dựng. Riêng các mặt hàng về bảo hộ lao động trong nông nghiệp thì rất hiếm. Điều này phụ thuộc vào ý thức tự giác của NLĐ, chứ không được quy củ như các lĩnh vực trong công nghiệp hay xây dựng. Bà con lại lao động theo thói quen cũ, trong khi tài chính hạn hẹp nên không chú trọng bảo hộ cho mình.

Trên thực tế, trang bị bảo hộ lao động vừa đảm bảo tính mạng cho NLĐ vừa đảm bảo các dự án, công trình đầu tư thực hiện đúng tiến độ. Vì thế, người sử dụng lao động cần nêu cao trách nhiệm của mình, ngoài mua sắm đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động phục vụ công việc, còn phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở NLĐ nghiêm túc chấp hành, tuân thủ chặt chẽ các quy định về ATLĐ. Có như vậy mới tạo hiệu quả lâu dài, yên tâm khi công nhân làm việc. Mặt khác, chính bản thân NLĐ cũng cần nâng cao ý thức về ATLĐ nhằm đảm bảo tính mạng bản thân.

Mai Hậu

Các tin khác