Kinh tế xã hội
Nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ
(Congannghean.vn)-Trên thực tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành công cụ hữu ích cho hoạt động mua bán ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, TMĐT đang dần trở thành lĩnh vực hoạt động kinh tế mà các doanh nghiệp (DN) hướng tới.
Mua hàng qua điện tử trở thành xu thế
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, từ lâu TMĐT là lĩnh vực hoạt động kinh tế hiệu quả bởi những ưu điểm vượt trội của nó so với cách mua hàng truyền thống như: Tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc... Hiện nay, tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, TMĐT đang dần hình thành và phát triển.
Sàn giao dịch TMĐT Nghệ An chưa thu hút được khách hàng |
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, đến năm 2015, cả nước có 48 triệu người dùng Internet và 35 triệu người dùng smartphone (điện thoại thông minh). Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2015 cho thấy 27% người dùng từng mua hàng qua điện thoại và thanh toán bằng thẻ ngân hàng, 45% người dùng tìm kiếm thông tin mua hàng qua điện thoại nhiều hơn 1 lần/ngày… Đây chính là thị trường tiềm năng để các DN khai thác thông qua TMĐT.
Tại Nghệ An, bắt nhịp với xu thế chung của cả nước và toàn cầu, năm 2012, Sở Công thương đã xây dựng sàn giao dịch TMĐT có tên 37nghean.com và ecna.com. Đây là địa chỉ hữu ích để các DN trên địa bàn quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của mình.
Ông Nguyễn Huy Cương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sàn giao dịch TMĐT Nghệ An đã có hơn 300 gian hàng, thu hút gần 5 triệu lượt truy cập. Bước đầu, sàn giao dịch TMĐT đã và đang tạo thêm nhiều giải pháp có lợi cho các DN trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Điều này được chứng minh qua số liệu khảo sát một số DN tham gia sàn giao dịch, giao dịch TMĐT đã giúp DN tăng doanh thu khoảng 21% so với trước khi tham gia sàn”.
Ngày 8/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định về kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm, doanh số TMĐT B2C (giao dịch giữa DN và khách hàng) đạt 10 tỉ USD, chiếm 5% so với mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. |
Nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ
Mặc dù so với phương thức bán hàng truyền thống, TMĐT giúp DN tiếp cận khách hàng nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn nhưng trên thực tế cho đến thời điểm hiện nay, chỉ có 1.200 website dưới dạng TMĐT và chỉ có 312 website TMĐT đã làm thủ tục thông báo với Bộ Công thương qua cổng http://oline.gov.vn. Như vậy, số lượng website TMĐT của DN Nghệ An còn rất ít so với số lượng khoảng 9.000 DN đang hoạt động.
“Qua số liệu khảo sát thực trạng 600 DN trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chỉ có 25% DN có cán bộ lãnh đạo đơn vị được phân công trực tiếp phụ trách công tác ứng dụng TMĐT; 27% DN quan tâm ở mức độ cao đối với việc ứng dụng TMĐT, 26% quan tâm ở mức độ bình thường, 35% quan tâm ở mức độ trung bình, nhưng có tới 12% DN chưa quan tâm tới việc ứng dụng TMĐT, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa”, ông Nguyễn Huy Cương cho biết thêm.
Mặt khác, qua khảo sát 600 DN năm 2015 thì có 40% DN đã có website nhưng trong số này chỉ có 46% DN thường xuyên cập nhật thông tin trên website hàng ngày, tỉ lệ DN cập nhật thông tin trên website hàng tuần chiếm 19% và đặc biệt, có tới 25% DN hầu như rất ít cập nhật thông tin của mình. Không những thế, trong những DN được khảo sát chưa có website TMĐT, có 90% DN có kế hoạch xây dựng website TMĐT trong năm 2016, 42% DN có nhu cầu tham gia sàn giao dịch TMĐT, 21% DN sẽ tham gia các mạng xã hội.
Số liệu này đã phản ánh được phần nào việc nhiều DN ở Nghệ An chưa thực sự nhận thức hoặc nhận thức chưa đầy đủ lợi ích của ứng dụng TMĐT mang lại trong xu thế phát triển hiện nay và trong tương lai gần.
Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Nghệ An được xây dựng từ năm 2012 nhưng đến nay chưa thật sự thu hút được khách hàng bởi giao diện không bắt mắt, thông tin sản phẩm ít; thậm chí, nhiều DN tham gia nhưng theo kiểu cho có.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại gian hàng của khách sạn Giao tế có tên GiaoTe hotel, ngày gia nhập là 27/8/2015, lượng truy cập 2.356 người, tuy nhiên cả gian hàng không có bất cứ thông tin gì giới thiệu về khách sạn. Hay như gian hàng của Trung tâm Anh ngữ ASem Việt Nam cũng không có bất kỳ thông tin cụ thể nào khiến khách hàng gặp nhiều khó khăn khi có nhu cầu tìm hiểu.
Chị Trần Thu Uyên trú tại phường Trường Thi, TP Vinh cho biết: “Tôi thường xuyên vào sàn giao dịch TMĐT của tỉnh để xem sản phẩm, nhưng thông tin các gian hàng còn quá ít. Các DN không hề đầu tư cho gian hàng của mình, hình ảnh xấu, thông tin ít, thậm chí không có khiến khách hàng thấy khá bức xúc”.
Do cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, việc khuyến khích các DN trên địa bàn ứng dụng TMĐT, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên còn nhiều DN thờ ơ với việc tham gia TMĐT. Thực tế cản trở lớn nhất cho việc phát triển TMĐT đó là DN chưa hiểu rõ lợi ích của TMĐT nên không có sự đầu tư, hơn nữa người dân vẫn giữ cách thức mua hàng truyền thống do họ chưa thực sự tin tưởng vào hình thức mua bán qua TMĐT. Cùng với đó, việc thanh toán trực tuyến còn nhiều bất cập khiến TMĐT chưa thực sự phát triển so với tiềm năng để trở thành “cánh tay nối dài” giữa DN với khách hàng.
Phương Thủy