(Congannghean.vn)-Khu vực nông thôn đang trở thành thị trường rộng lớn để doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các DN trong nước vẫn chưa chú trọng đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo chỗ đứng cho đơn vị mình. Đây là thực trạng tồn tại trong suốt thời gian qua, thậm chí có rất ít DN trong nước quan tâm đến vấn đề này.
Khu vực nông thôn đang trở thành thị trường tiềm năng cho DN trong nước hướng tới |
Thị phần tiềm năng
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của TPP đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho DN trong nước. Cùng với những lợi thế sau khi hội nhập kinh tế quốc tế, thị phần tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu cho DN nội địa sẽ mở rộng và không ngừng vươn xa.
Mặt khác, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, thị phần vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đang là cơ hội lớn để DN trong nước hướng tới.
Qua thống kê cho thấy, hiện dân số khu vực nông thôn ở nước ta chiếm khoảng 68%. Tuy nhiên, doanh số bán hàng nhanh nhất tới vùng nông thôn thời điểm hiện nay mới chỉ đạt hơn 50%.
Với đặc thù là tỉnh có đất rộng, người đông nên những năm gần đây, nhiều DN trong nước đang chú trọng hướng tới Nghệ An để đầu tư vào thị trường bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, các DN mới chỉ đầu tư vào hệ thống các chuỗi siêu thị, đại lý tại địa bàn TP Vinh.
Còn lại, thị phần rộng lớn ở vùng nông thôn, miền núi, DN sản xuất hàng Việt vẫn chưa có chiến lược hướng tới. Có chăng, chỉ số ít DN chú trọng đến các mặt hàng bán lẻ truyền thống chứ chưa có chiến lược đầu tư về mẫu mã, chủng loại sản phẩm… để tận dụng thị phần nhiều tiềm năng như hiện nay.
Loay hoay tìm hướng đi
Trong những năm qua, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, các cấp, ngành ở Nghệ An đã triển khai rộng khắp tại các huyện trên địa bàn.
Theo đó, Sở Công thương, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại… đã tổ chức hàng chục lượt hội chợ tại các xã vùng nông thôn để DN trong nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự đến với người tiêu dùng và có chỗ đứng bền vững ở vùng nông thôn thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ.
Theo tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì trên thực tế, thông qua các hội chợ được tổ chức ở vùng nông thôn, miền núi, thói quen người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều tín hiệu khả quan. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội cho DN Việt đầu tư về chiến lược, tiếp cận thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ mở ra tiềm năng rất lớn.
Tuy nhiên, để duy trì được thị phần vùng nông thôn, miền núi đòi hỏi vai trò chủ chốt của DN. Hơn nữa, sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo nhiều kênh đa dạng để DN đưa sản phẩm về nông thôn, miền núi cũng rất cần thiết.
Bên cạnh đó, động thái kích cầu DN trong nước, tạo bình ổn về thị trường để sản phẩm của họ có chỗ đứng nhất định trong bối cảnh hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Bởi, khi nhu cầu đời sống của người dân vùng nông thôn, miền núi đang dần được nâng lên thì nguồn cung lại không đáp ứng đủ.