Kinh tế xã hội
Lo ngại bùng phát dịch bệnh từ cơ sở chế biến da trâu
(Congannghean.vn)-Đó là chia sẻ của ông Lê Đức Tình, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tân Kỳ về cơ sở chế biến da trâu của bà Thái Thị Huệ thuộc địa bàn xóm 7, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Vừa qua, Tòa soạn Báo Công an Nghệ An nhận được phản ánh của người dân về việc, thời gian gần đây, trên địa bàn xóm 7, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ tồn tại một cơ sở chuyên chế biến da trâu thành phẩm. Quá trình hoạt động sản xuất, cơ sở này đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Phía trong cơ sở chế biến da trâu của bà Thái Thị Huệ |
Phóng viên Báo Công an Nghệ An đã có chuyến khảo sát thực tế, tìm hiểu quá trình hoạt động sản xuất của cơ sở này. Qua trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thanh, Bí thư xã Nghĩa Bình thừa nhận: Trên địa bàn xã hiện có cơ sở sản xuất da trâu của bà Thái Thị Huệ đúng như phản ánh của người dân. Ông Thanh cho biết, cách đây không lâu, xã Nghĩa Bình nhận được phản ánh của người dân về quá trình hoạt động của cơ sơ này gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi cũng đã giao cho bên ủy ban kiểm tra, xác minh sự việc.
Theo tìm hiểu, cơ sở chế biến của bà Huệ hoạt động đã được 7 – 8 tháng. Cơ sở này gom hàng ở các nơi vài hôm sau mới tập trung xử lý một lần. Khi hoạt động sản xuất có 6 – 7 công nhân làm việc, chủ yếu là người thân của gia đình bà Huệ. Ngoài ra, còn có 2 người địa phương tham gia chế biến. Quy trình chế biến thực hiện như sau: Da trâu nhập về được làm sạch lông rồi ướp muối, sau đó cắt thành từng thỏi rồi sấy chín hoặc cắt thành từng miếng nhỏ.
Hôm chúng tôi đến, cơ sở chế biến da trâu của bà Huệ không hoạt động nên không thể ghi nhận về mùi hôi tỏa ra xung quanh như thông tin phản ánh. Tuy nhiên, theo quan sát, tìm hiểu của phóng viên thì cơ sở này nằm sát đường Hồ Chí Minh, phía sau có 3 đập nước lớn thông với nhau (đập Khe Du, đập Cụt và đập Khe Nứa - P.V).
Một người dân ở xóm 1, xã Nghĩa Bình (có nhà cách cơ sở chế biến cuả bà Huệ khoảng 200 m) cho hay: “Cơ sở chế biến da trâu của bà Huệ hoạt động được mấy tháng rồi. Nếu đi vào trong khu vực chế biến của cơ sở thì chắc chắn có mùi hôi, hoặc những lúc gió to mới tỏa ra xung quanh, còn bình thường thì không thấy hôi”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ cho biết: “Thông tin phản ánh về cơ sở chế biến da trâu của bà Thái Thị Huệ ở xã Nghĩa Bình gây ô nhiễm chúng tôi chưa nắm được. Sau khi có phản ánh của các anh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu cơ sở vi phạm thì sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”. Ông Thanh cũng cho biết thêm, hiện cơ sở này đã có đủ hồ sơ, giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
Về phía cơ quan kiểm dịch động vật, qua trao đổi, ông Lê Đức Tình, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tân Kỳ cho hay: Từ khi cơ sở chế biến của bà Huệ đi vào hoạt động, tôi đã đến đây một lần để tìm hiểu và thấy số da trâu được nhập về chủ yếu có nguồn gốc từ tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại, chúng tôi rất lo ngại việc bùng phát dịch bệnh gia súc từ cơ sở chế biến này vì nguồn hàng của họ lấy từ nhiều nơi, khó kiểm soát. Trong khi đó, không phải lúc nào lấy hàng về họ cũng báo với cơ quan thú y.
Như vậy, những phản ánh của công dân về cơ sở chuyên chế biến da trâu trên địa bàn xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ là có, song mức độ ô nhiễm môi trường từ cơ sở này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là chưa nhiều. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của chính quyền địa phương cũng như cơ quan thú y là nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc từ nguồn nguyên liệu đầu vào của cơ sở này. Mặt khác, theo quan sát của phóng viên, hiện, phía sau cơ sở này có ba đập nước liên thông với nhau, nếu việc xử lý nước thải từ việc chế biến da trâu không đảm bảo, nguồn nước các hồ đập sẽ có nguy cơ bị ô nhiễm.
Vinh Thành