(Congannghean.vn)-Với mong muốn tạo đột phá, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, cho đến nay, dù đã có những chuyển biến nhất định nhưng việc sử dụng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại Nghệ An vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương và nhân dân. Việc tạo ra làn gió mới trong xây dựng môi trường, cơ chế để phát huy sở trường của bản thân người lao động vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Trong thời gian qua, việc thu hút nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao trên địa bàn chưa có nhiều đột phá (Trong ảnh: Giờ học của thầy - trò Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt - Đức) |
Năm 2010, Phạm Thị Châu Anh tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương với tấm bằng loại giỏi. Một thời gian ngắn sau, cô sang Australia học và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Trở về Nghệ An, năm 2014, Châu Anh nộp hồ sơ xét tuyển theo chính sách thu hút nhân tài.
Đây cũng là năm đầu tiên, Nghệ An thay đổi từ hình thức thi tuyển sang xét tuyển trong việc thu hút nguồn lao động chất lượng cao vào làm việc tại các sở, ban, ngành trên địa bàn toàn tỉnh.
Phạm Thị Châu Anh nộp hồ sơ vào 3 đơn vị: Sở Công thương, Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Tài chính theo mã ngành tài chính ngân hàng và trúng tuyển vào Sở Công thương.
Cùng đợt trúng tuyển này, Sở Công thương còn 7 trường hợp khác cũng nằm trong diện thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Đây là một trong số đơn vị thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua.
Cho đến nay, liên quan đến việc thu hút nguồn lao động chất lượng cao có rất nhiều văn bản, quyết định. Đầu tiên, phải kể đến Công văn 1876 ra đời năm 1999, quy định cụ thể về việc thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật về Nghệ An công tác. Tiếp đó, năm 2001, UBND tỉnh ra Quyết định 30 về chính sách khuyến khích và thu hút lao động có trình độ cao đóng góp trí tuệ và công sức cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An.
Để cụ thể hơn, UBND tỉnh tiếp tục ra Quyết định 30/2007 ban hành quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở Nghệ An giai đoạn 2007 - 2010.
Ngoài những quy định về điều kiện, đối tượng áp dụng, so với quyết định năm 2001, những chính sách đối với cán bộ về tỉnh công tác được quy định cụ thể hơn, khoản trợ cấp ban đầu cũng được nâng lên nhằm thu hút chất xám, chuyên gia giỏi về công tác tại tỉnh nhà. Năm 2010, trên cơ sở hoàn chỉnh các văn bản trước đó, UBND tỉnh ra Quyết định 65 về việc thực hiện chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao.
Đánh giá sau 2 năm thực hiện Quyết định 65, có thể nhận thấy, kết quả mà Nghệ An nhận được không như mong đợi. Tính đến cuối năm 2011, các cơ quan khối hành chính Nhà nước, sự nghiệp công lập đã tiếp nhận, tuyển dụng theo chính sách thu hút được 77 công chức, viên chức. Trong khi chỉ tiêu thu hút công bố là 389 chỉ tiêu, số lượng được tiếp nhận, tuyển dụng theo diện thu hút chiếm tỉ lệ 18,9%, quá thấp so với chỉ tiêu công bố.
Riêng về kết quả thu hút sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học trong và ngoài nước, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã mời 1 tiến sĩ trong lĩnh vực ung bướu để giúp Bệnh viện thực hiện các nội dung trong khám, điều trị cho bệnh nhân.
Ngoài ra, để mở rộng đối tượng, tỉnh đã thực hiện thu hút đối với sinh viên từ loại khá trở lên; cộng điểm ưu tiên theo tỉ lệ % vào kết quả thi tuyển công chức; mức hỗ trợ cũng cao hơn so với các chính sách trước. Tuy nhiên, công tác thu hút đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc tiếp nhận thu hút vào các cơ quan quản lý Nhà nước đều phải thông qua thi tuyển công chức, nhưng mỗi năm chỉ tổ chức được 1 lần.
Một số đối tượng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại các trường đại học hàng đầu trong nước (hoặc nước ngoài) có nguyện vọng về tỉnh nhà theo diện thu hút, nhưng sau khi rà soát chỉ tiêu công bố hàng năm của tỉnh lại không có chuyên ngành đó. Do vậy, chưa kịp thời thu hút được nhân tài có nguyện vọng về tỉnh công tác.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ cho biết: Theo phản ánh của nhiều người, việc thi tuyển đã bộc lộ một số bất cập nhất định. Nhiều thí sinh vì e ngại không tham gia thi công chức. Bên cạnh đó, đề thi công chức kiến thức vẫn còn chung chung, chưa chuyên sâu; trong khi đó, chỉ qua 1 kỳ thi, không thể đánh giá hết khả năng, năng lực của một người. Rút kinh nghiệm, năm 2013, trên cơ sở tham mưu của các cấp, ban, ngành, UBND tỉnh ra Quyết định số 57, thay đổi từ hình thức thi tuyển sang xét tuyển, với những điều kiện cụ thể.
Ngoài điều kiện là thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, dược sĩ chuyên khoa I được đào tạo từ sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên tại các trường đại học công lập, hệ chính quy ở trong nước có chuyên ngành đào tạo cùng với nhóm chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học (trừ hệ liên thông); những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, thủ khoa tại các trường đại học công lập, hệ chính quy ở trong nước (trừ hệ liên thông) thì điểm đầu vào đại học cũng là yêu cầu quan trọng đi kèm.
Trong quá trình xét tuyển theo Quyết định 57, việc thực hiện chính sách đối với đối tượng ưu tiên đã xảy ra những quan điểm trái chiều. Một số thí sinh tham gia xét tuyển cho rằng: Việc cộng điểm (thực hiện theo Nghị định 24 về ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức) cho con thương, bệnh binh khiến việc xét tuyển thiếu công bằng.
Tuy nhiên, tại buổi họp đánh giá về công tác thu hút nguồn lao động chất lượng cao, ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc thực hiện chính sách thu hút trên là hoàn toàn phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Theo đó, trong năm 2015, có 6/10 đối tượng con thương, bệnh binh trúng tuyển công chức.
Ngoài chính sách chung của toàn tỉnh, một số địa phương còn mở rộng diện đối tượng thu hút. Tại TP Vinh, trong 5 năm (2010 - 2015), thực hiện chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao, thành phố cũng chỉ mới thu hút được 143 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thạc sĩ và 21 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Về thực hiện nội dung này, ông Hồ Sỹ Tân, Trưởng phòng Nội vụ UBND TP Vinh cũng thừa nhận là hiệu quả chưa cao.
Đánh giá về nguyên nhân khiến hiệu quả công tác thu hút nguồn lao động chất lượng cao tại Nghệ An chưa cao, những người làm công tác nhân sự đều cho rằng, do môi trường và cơ chế làm việc tại Nghệ An chưa thực sự tạo “lực hút” cho lớp trẻ phát huy năng lực.
Việc đánh giá, phân công công việc thiếu phù hợp khiến nhiều người trẻ cảm thấy “chưa được trọng dụng”. Kết quả tuyển dụng cũng cho thấy, nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao hầu như rất ít. Trong khi tại các doanh nghiệp tư nhân, khi được tuyển dụng, người lao động được phân công công việc theo trình độ, chuyên môn thì thời gian tập sự tại các sở, ban, ngành theo diện thu hút công chức, nhiều bạn trẻ chưa kịp thích ứng, làm quen.
Cơ chế làm việc với những ràng buộc trong các mối quan hệ, tâm lý “người mới - người cũ”, “sống lâu lên lão làng” vẫn còn nặng nề và tác động đến nhiều người lao động…
So với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ hội việc làm tại Nghệ An rõ ràng không thể hấp dẫn bằng. Tuy nhiên, xây dựng chính sách phù hợp, tạo cơ chế làm việc thông thoáng sẽ giúp Nghệ An dần dần thay đổi, tạo chuyển biến trong thu hút nguồn lao động chất lượng cao.
Ngay như trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII: Đất Nghệ An nhân tài không thiếu, nhưng tỉnh cần nghiên cứu xem, tại sao những người Nghệ có tài lại chọn địa phương khác để lập nghiệp và phát triển mà không quay về địa phương mình? Chỉ khi trăn trở đó của Thủ tướng, của Trung ương được giải quyết, Nghệ An mới xây dựng được thương hiệu trong thu hút nguồn lao động chất lượng cao nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Thực hiện Quyết định 57 của UBND tỉnh, trong 2 năm 2014, 2015, tỉnh đã thu hút 38 công chức khối sở, ban, ngành cấp tỉnh. Cũng theo Quyết định trên, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I, Dược sĩ chuyên khoa I, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc các trường công lập (có quy định điểm đầu vào đại học) sẽ không được hỗ trợ tiền ban đầu. |