Là một trong những địa phương nằm trong Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng phòng hộ giai đoạn 2012 - 2020, tuy nhiên, trong khi chờ cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ phê duyệt thì hàng chục ha rừng phòng hộ trên địa bàn xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ đã được phát dọn thực bì để trồng đúng vào mùa nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Thời gian gần đây, người dân xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ phản ánh, mặc dù chưa đến vụ mùa trồng rừng theo chu kỳ (tháng 8 hàng năm) nhưng trên địa bàn, người dân đã lên khu Cửa Khâu phát dọn thực bì để trồng rừng. Tình trạng này diễn ra khiến người dân lo lắng, bởi những ngày qua, thời tiết trong vùng luôn nắng nóng với nền nhiệt cao, gió Lào thổi mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao.
Rừng ở khu vực Cửa Khâu đã được xử lý thực bì trong khi chưa được phê duyệt |
Để tìm hiểu sự việc trên, chúng tôi đã cùng người dân thực tế tại khu rừng Cửa Khâu thuộc tiểu khu 845. Trên đường đi, chúng tôi gặp một người đàn ông tự xưng là người nhà của “chủ rừng”. Theo người đàn ông này thì, toàn bộ số đất rừng, kể cả rừng sản xuất và rừng phòng hộ ở đây là do anh Nguyễn Công Thiệp (em trai họ - P.V) mua lại của người dân trên địa bàn xã. Hiện, đang xử lý thực bì được hơn 10 ha rừng phòng hộ để trồng keo, tràm. Việc phát rừng phòng hộ để trồng mới cho vụ này đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Thân, cán bộ địa chính và ông Trần Văn Sơn, cán bộ lâm nghiệp xã cho hay: Đất khu vực Cửa Khâu (xóm 7, xã Nghĩa Bình) thuộc đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ và rừng sản xuất với trên 100 ha. Riêng đất sản xuất, trước kia được giao cho 12 hộ khoanh trồng, bảo vệ. Sau này, do các chủ hộ ở xa không quản lý được, chi phí nhân công chăm sóc, vận chuyển lớn, hiệu quả kinh tế thấp nên họ không thực hiện việc trồng rừng mà giao lại cho anh Nguyễn Công Thiệp ở xã Kỳ Tân trồng. Ngoài diện tích rừng sản xuất, có 20,6 ha rừng phòng hộ của anh Thiệp, hiện đã xử lý thực bì hơn 10ha.
Trong khi đó, phía Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cho hay: Rừng ở xã Nghĩa Bình có diện tích 97,6 ha, trong đó tập trung ở xóm 1 và xóm 7 là 37,2 ha, được giao cho 5 hộ từ những năm 1995 (theo Nghị định 01, 02 về nhận đất giao rừng). Về pháp lý, rừng phòng hộ này vẫn đang thuộc sở hữu của cả 12 hộ, do ông Nguyễn Thanh Bích làm đại diện. Số diện tích anh Thiệp đang xử lý thực bì được “hợp đồng” từ ông Bích (nay là Chủ tịch UBND xã). Trong đó, khu vực Cửa Khâu trồng mới 20,6 ha hiện đã xử lý thực bì được gần 10 ha.
Ông Cao Tiến Hạnh, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ thừa nhận: Theo chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sau đó là quyết định phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, năm 2016, huyện Tân Kỳ có gần 100 ha. Hiện nay, mới chỉ thẩm định hiện trường, còn chờ thẩm định hồ sơ từ Chi cục Kiểm lâm, sau đó Sở NN&PTNT quyết định phê duyệt. Theo quy định và nguyên tắc, để đảm bảo kịp thời vụ thì sau khi thẩm định xong hiện trường có thể tiến hành trồng. Tuy nhiên, để trồng rừng vào thời điểm này là không phù hợp vì đang là mùa khô, dễ gây cháy. Việc một số hộ dân tiến hành xử lý thực bì để trồng rừng khi chưa có quyết định phê duyệt của cơ quan chức năng là sai.
Ngày 19/7, ông Đặng Xuân Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Phía Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ đã trình hồ sơ Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Tân Kỳ năm 2016 cho Chi cục xem xét thẩm định. Tuy nhiên, hiện nay chưa thẩm định xong do liên quan đến các thông tin về diện tích cũng như danh sách các hộ trồng rừng từ cơ sở báo lên không trùng khớp. Việc các hộ dân xử lý thực bì trồng rừng khi chưa có cơ quan thẩm định là sai nguyên tắc. Theo quy trình, sau khi có quyết định, chủ đầu tư mới ký kết hợp đồng, làm thủ tục bàn giao hiện trường, hướng dẫn bên B (người trồng) các biện pháp kỹ thuật và cây con giống sau đó mới được trồng. Thông thường để đảm bảo đạt hiệu quả thì phải cuối tháng 8 khi hết nắng nóng mới thực hiện việc trồng rừng.