Kinh tế xã hội
'Đường dài mới biết ngựa hay...'
(Congannghean.vn)-Nghệ An là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Trong nhiều năm trở lại đây, nhằm tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản, các doanh nghiệp đã chọn Nghệ An để đầu tư phát triển, sát cánh cùng người nông dân khẳng định thương hiệu nông sản xứ Nghệ trên thị trường trong và ngoài nước. Và trên thực tế, với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kết quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể.
Với sự đầu tư dài hơi kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhiều doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững vàng và khả năng phát triển mạnh mẽ trên vùng đất xứ Nghệ giàu tiềm năng, lắm thách thức…
Với sự hỗ trợ đầu tư, nhiều nông sản xứ Nghệ xâm nhập vào các siêu thị lớn trên toàn quốc |
Tại Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức đã khẳng định những kết quả tích cực mà địa phương đã đạt được trên lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản.
Theo đó, trong năm 2015, thu nhập đầu người khu vực nông thôn đã tăng 1,35 lần so với năm 2012, sản lượng lương thực cây có hạt đạt khoảng 1,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, tổng đàn trâu bò đạt khoảng 725.000 con, độ che phủ rừng đạt 55%. Nhiều cây trồng đã đem lại thu nhập cho các hộ nông dân trên 1 tỉ đồng/năm như: Cam, quýt, chanh leo…
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 08/2015 nhằm quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ, đầu tư của tỉnh Nghệ An dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 thuộc dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.
Quyết định này quy định mức hỗ trợ, đầu tư đối với từng lĩnh vực cụ thể: Cơ sở chăn nuôi gia súc, vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap), các hạng mục phục vụ xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến, cây ăn quả…
Định kỳ hàng năm, Nghệ An đều tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh và cung cấp cho nhà đầu tư danh mục các dự án, lĩnh vực kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Kết quả, trong 2 năm 2014 - 2015, tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 4.500 tỉ đồng.
Một số dự án lớn thu hút đầu tư trong những năm trước, nay đã được triển khai đầu tư thực hiện như: Nhà máy Chế biến thực phẩm Massan, Nhà máy Chế biến cá Royal Food… Các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn điển hình đã và đang triển khai trong thời gian qua như: Dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn; Dự án chăn nuôi bò sữa tại xã Đông Hiếu, TX Thái Hòa; Dự án xây dựng vườn ươm giống chanh leo công nghệ cao cung cấp giống phát triển vùng chanh leo nguyên liệu quy mô 1.500 ha thuộc địa bàn huyện Quế Phong…
Trong đó, có những doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu, uy tín không chỉ trên thị trường Nghệ An mà còn vươn ra thế giới, như Dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn do Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH làm chủ đầu tư, quy mô dự án 45.000 con bê, bò sữa với diện tích trồng cây thức ăn 15.000 ha. Đến nay, tổng đàn bò, bê sữa là 42.500 con. Nhà máy sản xuất chế biến sữa tươi sạch TH Mega có công suất thiết kế hơn 200 triệu lít sữa/năm được xây dựng tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn. Đây là dự án sản xuất và chế biến sữa tươi sạch hiện đại và lớn nhất Châu Á về quy mô lẫn công nghệ. TH cũng là đơn vị đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Bên cạnh những doanh nghiệp đầu tư lâu năm, đã khẳng định thương hiệu, có một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mới vào lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty TNHH An Thịnh Khang làm chủ đầu tư với Dự án trang trại chăn nuôi bò Úc nhập khẩu tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc quy mô 3.500 con bò Úc, các dự án chế biến tinh bột sắn, trồng chanh leo…
Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong nông nghiệp thường đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu vào hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Trên lĩnh vực trồng trọt, Nghệ An đã từng bước đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế của tỉnh.
Các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này là Tổng Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An tổ chức liên kết với nông dân sản xuất và thu mua sản phẩm với quy mô 3.000 - 4.000 ha lúa/năm; Công ty TNHH Vĩnh Hòa tổ chức liên kết với nông dân để sản xuất lúa gạo từ thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ với thương hiệu “Gạo xứ Nghệ”.
Riêng trong hoạt động tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Nghệ An đã đẩy mạnh việc thu hút đầu tư để từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ, lẻ phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, tiếp tục hỗ trợ phát triển các trang trại bò sữa TH và Vinamilk.
Đến nay, tỉnh đã hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến là: Các nhà máy chế biến đường, chế biến chè, chế biến cao su, chế biến dứa và chanh leo, chế biến lúa gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến gỗ, chế biến thủy sản…
Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Nghệ An cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản, từng bước góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Điển hình như đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm thâm canh, xây mới trại sản xuất tôm giống Việt Úc; nâng cấp cảng cá Lạch Vạn, Cửa Hội; xây mới khu neo đậu tránh trú bão Cửa Lò, cảng cá Quỳnh Phương; đầu tư đồng bộ xây dựng hệ thống nhà máy sản xuất nước đá, xăng dầu, kho đông... Mặc dù chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nhưng yếu tố điện - đường - trạm sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục phần nào khó khăn trong những ngày đầu triển khai dự án.
Riêng trong năm 2015, toàn tỉnh đã có 120 dự án đầu tư, trong khi đó, trong 2 năm 2014 - 2015, số lượng dự án đầu tư vào nông nghiệp chỉ dừng lại ở con số 19. Điều này một phần xuất phát từ đặc trưng trong sản xuất nông nghiệp, yêu cầu vốn đầu tư nhiều, phải sử dụng và kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tốn kém. Trong khi đó, nguồn lợi nhuận thu được thường chậm, mất nhiều thời gian. |
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc hình thành chuỗi liên kết. Theo đó, một số đơn vị, công ty đã triển khai các mô hình, đề tài khoa học nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy lợi, thủy điện thành công như: Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi cá trắm đen trong lồng trên hồ thủy điện Bản Vẽ - Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và Công nghệ nuôi trồng thủy sản; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ triển khai Dự án nuôi cá chiên, leo thương phẩm trong lồng trên hồ Khe Đá - Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An.
Có thể thấy, sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, so với tổng thể các dự án đầu tư vào địa bàn Nghệ An, số lượng dự án đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn. Yếu tố thiên nhiên diễn biến bất thường cộng với ảnh hưởng nhiều chiều của thị trường trong và ngoài nước đã tác động tới xu hướng chọn lựa đầu tư của các doanh nghiệp. Trong khi đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con hiện còn rất manh mún, việc quy hoạch, đầu tư thu mua tốn nhiều kinh phí và thời gian, nhất là trong giai đoạn đầu.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Tỉnh luôn xác định rõ liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm là xu thế phát triển tất yếu trong thời gian tới. Vì thế, ngành sẽ tập trung từng bước đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, với sự khẳng định vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết; đồng thời, tổ chức xây dựng các mô hình liên kết sản xuất từ cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xác định rõ doanh nghiệp là trung tâm liên kết. Đó là cơ sở căn bản, quan trọng góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Mai Hậu