(Congannghean.vn)-Trước những khó khăn, vướng mắc mà ngư dân đang gặp phải, các cấp, ngành, địa phương đã không ngừng nỗ lực chung tay giúp ngư dân vươn khơi, bám biển. Cùng với đó, công tác đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng cho ngư dân vay vốn đóng tàu to, thuyền lớn và tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hậu cần nghề cá đang được khẩn trương thực hiện.
Thị trường hải sản bình ổn trở lại
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi giá hải sản xuống thấp nhưng ngư dân ven biển ở Nghệ An vẫn kiên trì vươn khơi, bám biển. Những ngày trung tuần tháng 5, tại các cảng cá như Lạch Cờn (TX Hoàng Mai), Lạch Quèn (Quỳnh Lưu), Lạch Vạn (Diễn Châu), Cửa Hội…, tàu thuyền vẫn ra vào tấp nập với tôm cá đầy khoang. Hoạt động mua bán trên thuyền, dưới bến giữa các thương lái và chủ tàu vẫn diễn ra tấp nập.
Điều này cho thấy, thị trường tiêu thụ hải sản của Nghệ An đang trên đà phục hồi nhanh chóng khi giá cả các loại cá, tôm đã bắt đầu tăng mạnh trở lại.
Thương lái thu mua cá tại cảng Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu |
Chị Hồ Thị Xuyến, một thương lái thu mua hải sản ở phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai cho biết: “Những ngày giữa tháng 4, giá thu mua hải sản trên địa bàn xuống rất thấp. Thậm chí, nhiều loại mặt hàng hải sản không tiêu thụ được do tác động của thị trường. Tuy nhiên, trước thông tin vùng biển Nghệ An không bị ảnh hưởng bởi nghi vấn nhiễm độc nên từ cuối tháng 4 đến nay, người dân vẫn tiêu thụ hải sản bình thường. Vì vậy, giá cả hải sản khi chúng tôi tiến hành thu mua đã bắt đầu tăng trở lại”.
Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh cho biết: Hiện nay, đơn vị đã trực tiếp tham mưu các sở, ban, ngành ban hành các chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Đặc biệt, việc minh bạch thông tin về chất lượng hải sản nhằm ổn định thị trường tiêu thụ đang được đơn vị phối hợp với các ngành chức năng thực hiện. Đối với những tàu thuyền đánh bắt xa bờ, công tác động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển đã được thực hiện tốt trong thời gian qua.
Tuy nhiên, để hỗ trợ ngư dân hơn nữa, các cấp, ngành cũng cần tăng cường quan tâm, giúp đỡ họ về nhiều mặt.
Đẩy mạnh hỗ trợ nguồn tín dụng cho ngư dân
Để ngư dân yên tâm đánh bắt thuỷ hải sản trên biển theo xu hướng nâng cao hiệu quả đánh bắt, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/NĐ-CP về việc hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn. Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Nghệ An đã có 16 chiếc tàu thuộc diện vay vốn theo Nghị định 67 được hạ thuỷ.
Qua thống kê, đến hết quý I/2016, hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn Nghệ An đã giải ngân cho 25/32 chủ tàu được chấp thuận vay vốn với tổng số tiền 117/197 tỉ đồng để đóng tàu công suất lớn.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2016, Nghệ An sẽ có 76 chủ tàu được ký hợp đồng vay vốn theo Nghị định 89/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định 67/NĐ-CP.
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm thu hút các dự án đầu tư, hệ thống các cửa biển, lạch luồng của tỉnh Nghệ An đã được nâng cấp, xây mới. Các cảng cá như Lạch Vạn, Lạch Quèn, Lạch Cờn… đã được khơi thông; hệ thống đê biển chắn sóng, nơi tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền hiện cũng đang được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Cũng trong thời gian qua, tại các cuộc họp về việc hỗ trợ ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để bám biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng thương mại cần nhanh chóng phối hợp với các ban, ngành địa phương khẩn trương rà soát danh sách các chủ tàu để thẩm định, giải ngân nguốn vốn.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Để hỗ trợ nguồn tín dụng cho ngư dân bám biển, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của ngư dân.
Cùng với đó, công tác phối hợp với các địa phương ven biển để rà soát danh sách, đối tượng cho vay cũng được thực hiện một cách kịp thời, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo, trực tiếp xuống địa phương gặp gỡ, tiếp xúc với ngư dân, lắng nghe ý kiến của các chủ tàu để có phương án triển khai thực hiện một cách kịp thời theo tinh thần Nghị định 67.