Kinh tế xã hội
Từng bước chấn chỉnh, phát triển phương tiện giao thông công cộng
(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực và thuận lợi mà phương tiện giao thông công cộng này mang lại, sự cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cấp quản lý.
Quyết định điều chỉnh quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 mà UBND tỉnh vừa phê duyệt chính là cơ sở quan trọng để từng bước chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ của các đơn vị đầu tư khai thác các tuyến xe buýt, tạo cơ sở hình thành tuyến mạng lưới vận tải thống nhất, mang lại hiệu quả cao.
Nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân Nghệ An rất cao |
Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng và người dân đã có phản ánh về một số tồn tại cần khắc phục đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt như: Phương tiện xuất bến không đúng thời gian, tần suất theo biểu đồ đã được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận; nhân viên lái xe, phụ xe thiếu tôn trọng hành khách; xe buýt dừng, đón trả khách quá thời gian quy định tại các điểm dừng; phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép nhau.
Lực lượng Quản lý vận tải và Thanh tra Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra đột xuất và yêu cầu xử lý các doanh nghiệp có sự điều hành kém trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Trung bình 1 tháng, thông qua thiết bị giám sát hành trình, lực lượng chức năng đã xử lý, thu hồi 12 xe, chủ yếu do các lỗi chạy quá tốc độ và dừng, đỗ sai quy định.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT, tính đến nay, Nghệ An đã đưa vào khai thác 16 tuyến xe buýt. Về cơ bản, người dân có thể lựa chọn phương tiện xe buýt để đến điểm dừng ở các tuyến đường chính, trọng điểm.
Riêng trong năm 2015, đã có thêm 3 tuyến xe buýt nội tỉnh, gồm: TP Vinh - TX Thái Hòa, TP Vinh - Truông Bồn (Đô Lương), Tân Kỳ - TP Vinh - Quốc lộ 46, Quốc lộ 7 - Anh Sơn...
Những năm qua, ngành GTVT đã kêu gọi, thu hút được 6 doanh nghiệp phát triển dịch vụ công cộng bằng xe buýt. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu phát triển các tuyến xe buýt tại TP Vinh đi các huyện lân cận. Riêng các tuyến ở huyện xa, tuyến liên huyện, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự “mặn mà”. Để phát triển các tuyến này, ngành GTVT đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng như địa điểm chờ xe, cho thuê đất làm trụ sở, có cơ chế hỗ trợ giá...
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và văn minh đô thị, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Theo lộ trình thực hiện, ngoài 13 tuyến đã đi vào hoạt động thì 14 tuyến đã được quy hoạch tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác theo tiến độ đề ra như sau: Đến năm 2020, triển khai kêu gọi 7 tuyến và từ năm 2020 - 2025, triển khai các tuyến xe buýt còn lại theo danh mục đã quy hoạch vào khai thác.
Việc hình thành các tuyến xe buýt thường căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế của từng cụm, khu vực dân cư, khu công nghiệp, chế xuất. Trong thời điểm hiện nay, Nghệ An đang tập trung phát triển công nghiệp - dịch vụ, hình thành nhiều cụm, khu công nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành.
Đây cũng là cơ sở góp phần làm giảm áp lực vận tải hành khách, giảm thiểu sự gia tăng của các phương tiện cá nhân. Vì thế, ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các tuyến xe buýt, những cơ chế, chính sách ưu đãi theo đặc thù cũng là cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục lựa chọn, gắn bó với loại hình phương tiện này. Và chính các doanh nghiệp cũng phải tự chấn chỉnh, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự cạnh tranh minh bạch giữa các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt.
Mai Hậu