(Congannghean.vn)-Các làng nghề ở Nghệ An hiện nay đã giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động dôi dư ở địa phương, đặc biệt là lao động ở vùng nông thôn; từng bước giải “bài toán” “ly nông bất ly hương”; đồng thời góp phần gìn giữ văn hóa đặc trưng của từng khu vực, địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều làng nghề gặp không ít khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Giải “bài toán” đầu ra…
Trên địa bàn Nghệ An, làng nghề mây tre đan chiếm số lượng lớn nhất, có 44 làng nghề được UBND tỉnh công nhận với 3.700 lao động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện chỉ còn hơn 20 làng hoạt động trên thực tế, với khoảng 1.000 lao động.
Nghề mây tre đan ở tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn |
Trước đây, có nhiều thời điểm các làng nghề mây tre đan phát triển mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động ở nông thôn, bảo tồn nét văn hóa dân tộc và tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, phần lớn các làng nghề phát triển mang tính cầm chừng bởi không chủ động được nguồn nguyên liệu, giá cả tăng cao, trong khi đầu ra của sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Theo xếp loại hoạt động của các làng nghề của Liên minh HTX tỉnh, trong số 44 làng nghề mây tre đan, tại huyện Nghi Lộc có 14/14 làng nghề mây tre đan duy trì hoạt động ổn định, còn các làng nghề ở các huyện khác đều “èo uột”.
Điển hình như huyện Diễn Châu có 4 làng nghề thì cả 4 đều bị xếp loại yếu kém; huyện Quỳnh Lưu có 9 làng nghề thì chỉ có làng nghề mây tre đan Đồng Văn ở xã Quỳnh Diễn hoạt động ổn định, 8 làng nghề còn lại đều trong tình trạng yếu kém.
Trên thực tế, việc phát triển làng nghề mây tre đan còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Hơn nữa, tác phong sản xuất còn mang nặng tính nông nhàn, liên kết thiếu chặt chẽ, mẫu mã và thị trường tiêu thụ chưa đa dạng nên chưa tạo được sự cạnh tranh về giá cả.
Trước đây, có hơn 10 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các làng nghề mây tre đan, nhưng hiện chỉ còn 6 doanh nghiệp và phần lớn trong số đó có quy mô nhỏ, khả năng thích nghi, phản ứng nhanh trước những biến động của thị trường còn yếu. Do đó, sản phẩm mây tre đan của các làng nghề Nghệ An dù đã có mặt ở nhiều thị trường khắp thế giới nhưng giá thành thấp và số lượng đơn hàng có xu hướng giảm.
Cùng với mây tre đan, thổ cẩm là một trong những sản phẩm được đầu tư nhiều, đặc biệt là khâu hỗ trợ phát triển nghề và quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đây cũng là mặt hàng được kỳ vọng sẽ tạo thành sản phẩm du lịch, bởi dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống, nét văn hóa đặc sắc của các huyện miền núi miền Tây Nghệ An. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn và đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nghề này bị “chững” lại, chưa phát triển như kỳ vọng.
HTX làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến ở huyện Quỳ Châu mỗi năm sản xuất trên 4.000 sản phẩm các loại, chủ yếu được tiêu thụ qua đơn vị trung gian là Trung tâm Nghiên cứu liên kết hàng thổ cẩm, mỹ nghệ Hà Nội. Số lượng tiêu thụ qua các hội chợ là rất ít vì mỗi năm, đơn vị chỉ được hỗ trợ tham gia từ 1 - 2 hội chợ.
Chị Hà Thị Phương Vân, Chủ nhiệm HTX dệt may thổ cẩm Hải Vân làm công tác đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Châu đã gần 10 năm và dành nhiều tâm huyết cho sản phẩm thổ cẩm Nghệ An tâm sự: “Sản phẩm thổ cẩm Nghệ An tuy có nhiều họa tiết đặc sắc nhưng khó tiêu thụ.
Bởi lẽ, người lao động chưa thức thời, chỉ làm những sản phẩm truyền thống, theo sở thích cá nhân nên chưa thu hút được khách du lịch. Ví dụ như, chúng ta mất 1 - 2 tháng để làm những sản phẩm có giá trị từ 500 - 700.000 đồng, trong khi khách du lịch chỉ cần những sản phẩm nhỏ nhỏ, xinh xinh với mức giá vừa phải.
Nếu nhận được đơn hàng lớn thì cũng khó hoàn thành bởi lao động làm nghề dệt thổ cẩm chủ yếu là người trung tuổi, làm trong thời gian nông nhàn nên chưa xác định đây là nghề mang lại thu nhập chính, tay nghề cũng không cao, thiếu thợ giỏi để tạo ra các sản phẩm mới...”.
Cùng với mây tre đan, thổ cẩm, các nghề làm mộc, làm đá, làm các sản phẩm thủ công từ vỏ sò cũng ngày càng bị mai một và phải cạnh tranh với các sản phẩm từ các tỉnh, thành khác.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Huy, Trưởng phòng Tư vấn chính sách - Liên minh HTX tỉnh cho rằng: “Lâu nay, chúng ta chỉ phát triển làng nghề theo số lượng chứ chưa đầu tư về chất lượng, dẫn đến thiếu những ngành nghề mũi nhọn. Vì vậy, sản phẩm làm ra không có sự đầu tư, không mang dấu ấn làng nghề, vùng miền.
Chúng ta cũng chưa chú trọng đầu tư vào mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nguyên nhân là thợ thủ công lành nghề ở nhiều làng nghề còn thiếu, nhất là thợ thủ công tay nghề cao. Các làng nghề còn phát triển tự phát, theo kiểu cha truyền con nối, chưa thực sự có một chiến lược căn cơ để phát triển sản phẩm làng nghề…”.
Gian nan xây dựng thương hiệu
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại như hiện nay, để các làng nghề truyền thống phát triển bền vững, việc xây dựng thương hiệu là việc làm cần thiết và là hướng đi đúng đắn. Khi xây dựng được thương hiệu, sẽ tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.
Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu sẽ không phải qua các khâu trung gian hay dùng thương hiệu của đối tác khi xuất khẩu, từ đó tăng giá trị và doanh thu cho làng nghề. Nhưng thực tế đáng buồn là các sản phẩm làng nghề chưa có thương hiệu cả vùng và trở thành sản phẩm nổi tiếng khắp cả nước như đá Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), mè xửng Huế, mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), kẹo dừa Bến Tre… Nguyên nhân là do việc xây dựng và dán nhãn mác thương hiệu chưa được đầu tư, chú trọng; sản phẩm làng nghề của Nghệ An lẫn lộn giữa vô vàn sản phẩm khác…
Làng nghề bánh kẹo Đông Hà, Xuân Bắc (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) có bề dày trên 70 năm với trên 150 hộ của xóm sống bằng nghề, trong đó chủ yếu là kẹo lạc. Loại kẹo này khác với cu đơ của Hà Tĩnh bởi vừa có vị ngọt của mía đường, của nha, vừa có vị bùi của lạc và giòn tan. Người trong làng cũng rất tự hào bởi sản phẩm của làng đã có mặt khắp cả nước và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Riêng tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của làng nghề đạt hơn 17 tỉ đồng.
Những năm qua, Nghệ An đã có một số chính sách để các làng nghề xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác và sản phẩm. Nhờ đó, một số sản phẩm đã được bảo hộ độc quyền như hương trầm Quỳ Châu, hương Liên Đức (Thanh Chương), hương Thúy Liệu (TX Thái Hòa), nước mắm Hải Giang 1 (TX Cửa Lò), nước mắm Cửa Hội, rượu Phúc Mỹ (Hưng Nguyên)…
Tuy nhiên, việc xây dựng nhãn hiệu vẫn còn rất khó khăn và số làng nghề đã có nhãn hiệu tập thể chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Một trong những lý do khiến nhiều người dân ở các làng nghề chưa mặn mà với việc xây dựng nhãn hiệu chính là tâm lý "dựa dẫm truyền thống" của chính những người làm nghề.
Theo họ, vì đã có truyền thống lâu đời nên sẽ có nhiều người biết đến sản phẩm của làng nghề mình, do đó việc xây dựng thương hiệu là... thừa. Như ở làng nghề nấu rượu Phúc Mỹ, đến thời điểm này, đây là làng nghề nấu rượu duy nhất của cả tỉnh xây dựng được thương hiệu.
Ông Lê Xuân Cúc, Trưởng làng nghề chia sẻ: “Làng nghề nấu rượu Phúc Mỹ có thâm niên gần 100 năm, vậy nhưng ra thị trường vẫn chỉ là hàng “vô danh” vì không có nhãn hiệu. Điều đáng mừng là hiện nay, làng nghề đã được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng thương hiệu. Người dân trong làng rất yên tâm khi sản phẩm của mình không còn lẫn lộn với những sản phẩm khác”.
Một nguyên nhân nữa khiến các làng nghề không mấy mặn mà với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là do lối sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, phần nhiều là kinh doanh theo lối riêng rẽ "mạnh ai nấy làm" nên sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao; trong khi việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm đòi hỏi chi phí lớn.
Tại làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, ông Hồ Quốc Việt, Trưởng hiệp hội làng nghề cũng băn khoăn khi biết thông tin huyện đang xây dựng nhãn hiệu cho làng nghề: “Tôi nghĩ, nếu đã xây dựng nhãn hiệu tập thể thì phải có một cơ chế phát triển chung cho làng nghề, chứ xây dựng xong mà vẫn phát triển trong quy mô từng hộ gia đình thì sản phẩm khó phát triển. Thậm chí nhiều hộ không muốn sử dụng chung nhãn hiệu tập thể vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm của gia đình mình...”.